(HNM) - Thành phố Hà Nội cùng 4 tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang thống nhất cùng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và giao thành phố Hà Nội chủ trì nghiên cứu, triển khai đầu tư khép kín toàn tuyến. Việc sớm hình thành tuyến vành đai liên kết vùng cực kỳ quan trọng này sẽ góp phần tạo "sức bật" mới cho Vùng Thủ đô Hà Nội.
“Đoạn trường” 10 năm
Ngày 29-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1287/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam quốc lộ 18.
Theo quy hoạch này, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là tuyến đường cao tốc vành đai đi bằng với quy mô chiều dài 98km đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) với mặt cắt ngang điển hình rộng 120m (bao gồm phần cao tốc vành đai đi bằng 6 làn xe và hệ thống đường gom song hành hai bên đường). Dự án dự kiến hoàn thành trước năm 2020, trong đó, đoạn qua địa phận Hà Nội hoàn thành trước năm 2018.
Khi hoàn thành và đưa vào khai thác, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, mà còn tăng khả năng kết nối, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong toàn vùng.
Thế nhưng, qua 10 năm “đoạn trường”, dự án này vẫn chưa được triển khai do có quy mô lớn, gặp khó khăn về bố trí vốn (được xác định từ ngân sách nhà nước), trong khi việc khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua để đầu tư dự án không khả thi. Trước thực tế trên, vào quý III-2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi để đầu tư toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, sau chỉ đạo này, tuyến đường vành đai liên vùng vẫn chưa có những giải pháp cụ thể, thích hợp để sớm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược.
Ngã rẽ mới, triển vọng mới
Tháng 5-2021, “đại dự án” có ngã rẽ mới rất quan trọng khi lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã ký tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư theo phương án các địa phương “chung lưng đấu cật” để thực hiện tuyến đường liên vùng này.
Trong tờ trình của 5 địa phương có nhiều đề xuất mới về cơ chế, chính sách và phương án đầu tư so với quy hoạch trước đây. Đầu tiên là công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án được đề xuất thực hiện một lần theo chỉ giới đường đỏ (rộng 120m) bằng vốn đầu tư công. Ngoài ra, thay vì tách thành các dự án độc lập, đầu tư từng phân đoạn theo địa phận của từng tỉnh, thành phố như phương án trước đây, 5 địa phương thống nhất sẽ triển khai đầu tư nối thông toàn tuyến, không chia nhỏ thành các đoạn và có một đơn vị đứng ra chủ trì đầu tư toàn tuyến để bảo đảm khớp nối đồng bộ quy mô, các yếu tố kỹ thuật.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND của 5 tỉnh, thành phố đề xuất, ngoài quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ nghiên cứu thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng với quy mô 4-6 làn xe cao tốc. Thành phần mặt cắt ngang của tuyến đường (rộng 120m) gồm: Đường đô thị đi bằng bên dưới, xây dựng các trụ đường cao tốc trên cao trong phạm vi dải phân cách giữa của tuyến đường. Riêng đoạn vành đai phía Tây và một đoạn tuyến vành đai phía Đông có đường sắt quốc gia đi trên cao được xây dựng trong dải đất rộng khoảng 30m, còn lại 90m xây dựng đường đô thị đi phía dưới và đường cao tốc trên cao.
Sự chủ động, quyết tâm của các địa phương nơi dự án đi qua đang mở ra những triển vọng mới trong chủ trương đầu tư và triển khai tuyến đường Vành đai 4 đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong liên kết Vùng Thủ đô.
“Chung sức đồng lòng” triển khai đồng bộ
Để “đại dự án” Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sớm thành hiện thực, các địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất quan điểm chung chỉ đạo để tổ chức triển khai. Cụ thể, đầu tư khép kín toàn tuyến tại thời điểm hiện nay; triển khai hỗn hợp đầu tư công và phương thức PPP (đối tác công - tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các địa phương tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến. Các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng theo các dự án riêng trên địa bàn…
Đại diện các địa phương liên quan đều khẳng định sẽ “chung sức đồng lòng” để triển khai đồng bộ tuyến vành đai trọng điểm liên vùng. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết: “Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Bắc Ninh rất cần kết nối vùng, mở ra không gian phát triển trong tương lai. Chúng tôi mong muốn tuyến đường Vành đai 4 sớm được đầu tư xây dựng và gửi gắm niềm tin để thành phố Hà Nội chủ trì xây dựng dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng bày tỏ, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 là mong mỏi bấy lâu nay của chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên. Tỉnh đang có các khu đô thị lớn cận kề với Hà Nội nên việc kết nối mở thêm đường hướng tâm Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua tỉnh là rất cần thiết. Thời gian tới, Hưng Yên sẽ xây dựng tuyến đường rộng 70m hướng dọc sông Hồng giao cắt với tuyến đường Vành đai 4 và Vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương và phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc phát triển các đường cao tốc thì địa phương nào cũng cần, nhưng nếu so sánh thì tuyến đường Vành đai 4 là quan trọng bậc nhất vì nó sẽ góp phần liên kết vùng giữa Hà Nội với nhiều tỉnh liên quan. Nếu không quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng thì về sau càng khó khăn và giá cả đội lên rất cao. Vì vậy, Bộ Giao thông - Vận tải rất ủng hộ chủ trương xây dựng tuyến đường này và giao cho Hà Nội làm đầu mối, Hà Nội chủ trì tổ chức triển khai. Tới đây, Hà Nội và các tỉnh cần đẩy nhanh thủ tục để sớm trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ cũng đồng tình việc kiến nghị Chính phủ cho phép giải phóng mặt bằng một lần, tránh kéo dài nhiều đợt, làm ách tắc dự án và chi phí phát sinh tăng cao.
Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng:
Việc định hướng chủ trương, quy hoạch và đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn giúp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch; tạo điều kiện để Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.