(HNM) - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang; là trung tâm phát triển công nghiệp luôn dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng, sự phát triển cũng như sự hấp dẫn của thị trường bất động sản công nghiệp. Để khơi dậy tiềm năng của thị trường này, các địa phương trong vùng đang tiếp tục đầu tư mở rộng, sử dụng hiệu quả quỹ đất.
“Cái nôi” của các ngành công nghiệp
Ông Hứa Quốc Hưng, Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, sau 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay thành phố Hồ Chí Minh có 19 khu chế xuất, khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 4.532ha; trong đó 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện một số quỹ đất phục vụ bất động sản công nghiệp đang gặp khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và gần đây là tác động của dịch Covid-19, nên chưa thể đưa vào thị trường.
Bên cạnh thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai cũng được xem là “cái nôi” của bất động sản công nghiệp khi tập trung số lượng lớn các ngành, nghề truyền thống như cao su, nhựa, dệt may, da giày. Hiện tỉnh Đồng Nai có 31/35 khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương có 29/31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Theo đánh giá của Công ty Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam, Việt Nam tiếp tục giữ vị thế là điểm đến an toàn trước xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất. Dù dịch Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời nhưng với chiến lược đầu tư dài hạn, bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư. Giá thuê đất công nghiệp trung bình trong quý II-2020 đạt mức 106 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn ổn định ở mức 3,5-5 USD/m2/tháng.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho biết, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá cao. “Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các nhà đầu tư sẽ có nhu cầu lớn về nhà máy, nhà kho xây sẵn có chất lượng cao đi kèm với các dịch vụ liên quan ngành công nghiệp phụ trợ đến từ doanh nghiệp trong nước. Đây là điểm sáng của bất động sản công nghiệp tại khu vực này”, ông Stephen Wyatt nhận định.
Sử dụng hiệu quả quỹ đất công nghiệp
Hiện các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai đang có kế hoạch mở rộng và nâng cấp các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; nghiên cứu hình thành các khu công nghiệp - đô thị khoa học công nghệ... Còn tại tỉnh Đồng Nai, theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đang xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho quy hoạch thêm một số khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại quỹ đất trên địa bàn và đề xuất địa điểm quy hoạch các khu công nghiệp.
Là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trước nhu cầu cũng như tiềm năng phát triển của bất động sản công nghiệp, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với Hepza rà soát lại các khu công nghiệp, khu chế xuất để có giải pháp tạo ra quỹ đất thu hút nhà đầu tư. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho hay, phương châm của thành phố là sử dụng hiệu quả quỹ đất công nghiệp. Vì vậy, UBND thành phố đã đề nghị Chính phủ cho phép xóa quy hoạch 3 dự án khu công nghiệp gồm: Bàu Đưng (200ha), Phước Hiệp (175ha) đều tại huyện Củ Chi và Xuân Thới Thượng (300ha) tại huyện Hóc Môn, do các khu công nghiệp này hoạt động không hiệu quả nhiều năm qua. Cùng với đó, UBND thành phố đề nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ thành phố xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (380ha, tại huyện Bình Chánh), phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư ngay, thành phố sẽ xem xét quy hoạch những khu đất liền kề các dự án mà doanh nghiệp đang hoạt động để tăng hiệu quả sử dụng đất.
“Đất đai là nguồn lực rất quan trọng đối với thành phố, vì vậy phải sử dụng nguồn lực này hiệu quả. Thành phố đã xin ý kiến Chính phủ cho phép điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất, trong đó có đất dành cho phát triển công nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh phải gắn chặt với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ để cùng phát triển”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.