(HNM) - Kết quả khảo sát của PASEC (Chương trình phân tích hệ thống giáo dục của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp tại Việt Nam) do Bộ GD-ĐT vừa công bố cho thấy học sinh (HS) Việt Nam vững về kiến thức nhưng còn yếu về kỹ năng.
PASEC là chương trình đánh giá HS ngay trên địa bàn đất nước đó, kết quả đánh giá không dùng để so sánh các quốc gia với nhau mà so với các tiêu chuẩn chung của PASEC đặt ra. Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia PASEC là đánh giá kết quả học tập của HS lớp 2 và lớp 5 ở hai môn Toán và tiếng Việt tại hai thời điểm đầu và cuối năm học, đồng thời thu thập thông tin về những nhân tố tác động đến kết quả học tập của HS để cơ quan quản lý kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành và xây dựng chương trình giáo dục phù hợp, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện cho HS.
Giáo dục kỹ năng sống cần được sự quan tâm cả về nhận thức và hiệu quả triển khai. Ảnh: Bá Hoạt |
Kết quả khảo sát HS của PASEC tại 180 trường tiểu học thuộc 55 tỉnh, thành phố ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 12-2011 đến tháng 5-2012 cho thấy những kết quả tích cực về học tập. Kết quả được công bố theo 4 tiêu chí: Sự tiến bộ của HS trong một năm học; kiến thức và kỹ năng của HS; các yếu tố của chất lượng giáo dục tiểu học; các kết quả khác. Về cơ bản, kết quả khảo sát cho thấy việc giải quyết các bài kiểm tra của PASEC dường như không quá vất vả đối với HS lớp 2 của Việt Nam. Hơn 90% số HS hoàn thiện được quá nửa số mục của bài kiểm tra. Với HS lớp 5, hơn 90% HS có được các năng lực cần thiết được đo lường trong bài kiểm tra môn tiếng Việt; tỷ lệ này ở môn Toán là 50%.
Kết quả giáo dục của Việt Nam được đánh giá là minh chứng cho sự quan tâm thiết thực, hiệu quả của Chính phủ trong việc đầu tư cho nguồn lực con người trong sự nghiệp phát triển bền vững của quốc gia, dù trong bối cảnh kinh tế và thu nhập của người dân còn hạn chế so với nhiều nước. Dù vậy, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng các nhà trường không nên chủ quan, vì đây là kênh đánh giá thiên về kiến thức. HS Việt Nam được đánh giá có trình độ khá cao nhưng đang gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn. Thực tế khảo sát cho thấy có 50% số HS gặp khó khăn khi làm các bài tập đòi hỏi lập luận và yêu cầu giải quyết các vấn đề của cuộc sống hằng ngày. Đây không phải là điều bất ngờ. Trước đó, vào cuối năm 2013, kết quả khảo sát HS phổ thông của PISA (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới) cũng thể hiện cùng nhận định này.
Còn nặng về dạy - học kiến thức
Việc coi trọng các môn văn hóa hơn các hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, thẩm mỹ… từ lâu đã được nhận diện là nguyên nhân cơ bản khiến cho chặng đường đạt mục tiêu giáo dục toàn diện cho HS chưa được như mong muốn. Thực tế, theo yêu cầu thì khi soạn giáo án, mỗi bài học đều có phần "Mục đích bài học" với ba nội dung chính là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nhưng đó là lý thuyết, còn thực tế, hầu hết các nhà trường và giáo viên đều tập trung vào mục tiêu số 1 là dạy kiến thức. Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, hậu quả là chúng ta đã đào tạo ra những HS "nói thì giỏi, làm thì dở". Một HS giỏi môn vật lý có thể chẳng biết thay một bóng đèn cháy. Sinh viên khoa tâm lý có thể viết hay về kỹ năng giao tiếp nhưng vẫn ấp úng trước đám đông. Không ít đoàn HS Việt Nam đi thi quốc tế đạt điểm cao về kiến thức, nhưng khi thực hành hoặc giao lưu với bạn bè năm châu thì nhút nhát, thiếu tự tin. Thực tế ấy cho thấy những hạn chế trong chương trình giáo dục hiện nay.
Nhận thức rõ thực trạng này, cùng với những dự kiến điều chỉnh trong xây dựng chương trình - sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 theo hướng phát triển năng lực, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định về quản lý và tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong trường học. Theo đó, từ năm học 2014-2015, tất cả các trường học phải có trách nhiệm tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho HS. Tại Hà Nội, kế hoạch xây dựng xã hội học tập từ nay đến năm 2020 do UBND TP Hà Nội vừa ban hành cũng xác định nội dung giáo dục kỹ năng sống cho HS tại trường học vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cơ bản trong việc xây dựng Thủ đô trở thành một xã hội học tập. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, Hà Nội phấn đấu có ít nhất 30% HS được giáo dục kỹ năng sống tại trường. Tỷ lệ này sẽ đạt ít nhất 50% vào năm 2020. Đây dường như là một tỷ lệ khá khiêm tốn, song đối chiếu với thực tại thì chặng đường để đạt mục tiêu không đơn giản.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục, kỹ năng sống không thể nhanh chóng có được trong một vài ngày, và còn cần thêm sự chung tay của cả gia đình và cộng đồng. Giới trẻ nói chung và HS nói riêng ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn đề của cuộc sống. Việc giảm kiến thức lý thuyết, không cần thiết để bổ sung kỹ năng sống và ứng dụng thực tiễn là đòi hỏi cấp thiết trong quá trình đổi mới giáo dục. Mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường cũng cần được tổ chức bài bản, thống nhất chứ không nên là tự phát như hiện nay. Có thế mới góp phần trang bị cho HS kỹ năng đề kháng với những áp lực của cuộc sống, để không chỉ học vững, mà còn phải "hành" tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.