Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vùng đất mặn cất cánh

Chí Đạo - Duy Biên| 29/04/2012 06:57

(HNM) - Chuyến phà Bình Khánh sang huyện Cần Giờ chật kín, tiếng cười nói râm ran. Người lái chiếc xe tải chất đầy xi măng, sắt thép chễm chệ giữa phà cất tiếng đầy vẻ tự hào:


Đứng bên rìa vuông tôm nằm kề con lộ phẳng phiu xuyên qua màu xanh ngút ngàn của rừng đước, mắm với dừa nước, ông Nguyễn Văn Đức (xã Bình Khánh) bộc bạch: "Nhờ Nhà nước quan tâm nên dân Cần Giờ có được con đường to đẹp như hôm nay. Giấc mơ hàng chục năm của chúng tôi đã thành hiện thực, cuộc sống khấm khá hơn nhiều".


Một đoạn tuyến đường Rừng Sác- Cần Giờ hôm nay.

Nhiều năm sau ngày giải phóng, nhắc đến Cần Giờ, người ta vẫn hình dung về một vùng đất nghèo, sình lầy, sông rạch chằng chịt, có chăng là nhắc tới vùng Rừng Sác nổi danh là căn cứ của lực lượng đặc công với những chiến công lẫy lừng như trận đánh sông Lòng Tàu, kho xăng Nhà Bè, Thành Tuy Hạ… Ông Đức bồi hồi nhớ thời gian khó: "Hồi đó, con đường từ bến phà Bình Khánh về đây chỉ rộng chừng 3m, cây cối che kín đầu. Nhiều đoạn sình lầy, lau lách um tùm". Không có điện, cũng không có nước sạch, chỉ cách trung tâm TP chừng dăm chục cây số mà Cần Giờ như bị bỏ quên. Ngót 30 năm sau ngày toàn thắng, năm 2004, tuyến đường mới dài hơn 36km được khởi công, ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử huyện. Có điều, thi công quá "lai rai" (do biến động giá cả, năng lực nhà thầu…), thế nên vùng đất này chưa thể sớm thoát nghèo.
Những chuyện đó giờ đã thành ký ức. Đường Rừng Sác mới hoàn thành, tổng vốn đầu tư 1.420 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, với 8 cây cầu được xây mới có tải trọng 30 tấn thay thế các cầu cũ (tải trọng 13 tấn). Như Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đánh giá: "Đường Rừng Sác là tuyến đường huyết mạch, mở hướng đông nam ra biển, có vị trí chiến lược quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện Cần Giờ, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn lá phổi xanh, tạo cơ sở thuận lợi để đẩy mạnh đầu tư các công trình dân sinh".

Bà Định, chủ tiệm tạp hóa ở xã An Thới Đông, phấn khởi nói: "Từ khi có đường và cầu mới, xe tải chở hàng hóa và xe chở khách du lịch về Cần Giờ nườm nượp. Mỗi lần về trung tâm TP tôi đều đi xe buýt cho tiện lợi và an toàn, cứ 5-10 phút có một chuyến xuất bến". Mạng lưới giao thông đường bộ của huyện cũng phát triển rộng khắp các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp… cho đến xã đảo Thạnh An. Từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 100 công trình hạ tầng được hoàn thành, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Toàn huyện đã có trên 261km đường giao thông, trong đó có 104km đường nhựa, 80km đường bê tông; 119 cây cầu đã được xây dựng, thay thế toàn bộ hệ thống cầu tạm…

Sẽ thiếu sót nếu nói về sự "thay da đổi thịt" của Cần Giờ mà không nhắc đến những người "mở cõi". Ông Lê Tấn Hùng, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh, kể: "Những địa danh như Nông trường Thanh niên Duyên Hải, Nông trường dừa Đỗ Hòa, Lâm trường Lý Nhơn, đảo Ông Đen, Gò Da... đã trở thành huyền thoại mà mỗi khi nhắc đến người ta nhớ ngay đến sự đóng góp to lớn của lực lượng TNXP... Ngay từ những năm đầu sau ngày giải phóng, TNXP đã có mặt ở Cần Giờ để khai hoang, trồng rừng phòng hộ, xây dựng vùng kinh tế mới. Ngay cả tuyến đường Rừng Sác cũng do TNXP đảm nhận thi công, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong điều kiện sình lầy, ngập mặn, sông rạch chằng chịt... Bao mồ hôi, thậm chí cả xương máu, của những chàng trai, cô gái lực lượng "áo xanh" đã đổ xuống để hồi sinh vùng đất này.

Làm giàu từ biển

Thăm một mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở ấp An Nghĩa (xã An Thới Đông), chúng tôi được anh Đặng Văn Huệ, chủ trang trại, cho biết: Trang trại có 0,5ha mặt nước, đang thả khoảng 300.000 con tôm thẻ chân trắng. Anh đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo vùng đất sình lầy, phủ kín lau sậy với dừa nước thành vuông tôm, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện cứ khoảng 80-90 ngày lại cho thu hoạch khoảng 2 tấn tôm. Giá tôm hiện dao động ở mức từ 60-130 nghìn đồng/kg (tùy thuộc vào chủng loại), ước tính mỗi năm trang trại thu lời cả trăm triệu đồng. Cạnh vuông tôm của anh Huệ là ao nuôi cá mú của anh Nguyễn Văn Sơn, rộng khoảng 1ha. Anh Sơn kể: "Các chuyên gia thủy sản đang giúp tôi thử nghiệm mô hình này. Vì đang ở giai đoạn đầu nên chưa thể khẳng định hiệu quả, tuy nhiên đây là một hướng làm ăn mới". Tại xã Lý Nhơn, nhiều hộ cũng thành công với mô hình nuôi cua biển từ con giống nhân tạo, điển hình như các ông Võ Văn Nhắc, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Bửu Lộc... Với 0,8ha mặt nước, mỗi vụ ông Nhắc thả hơn 10.000 con giống, sau 4 tháng thu hoạch gần 1 tấn cua biển, thu về 90-100 triệu đồng, "trừ chi phí còn lời khoảng 45 triệu đồng". Có thể thấy rõ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân.

Dưới cái nắng nóng 36oC, các ô ruộng muối ở thị trấn Cần Thạnh chẳng khác gì chảo lửa. Cánh đồng muối trải dài trắng xóa thấp thoáng những bóng người lầm lũi. Anh Lê Tấn Truyền đang quay guồng đưa nước biển lên ruộng để phơi, mồ hôi đẫm áo thun, chị vợ thì mặt mũi che kín mít đứng cào muối thành từng ụ. Anh Truyền cho hay, trước đây anh không có việc làm, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Quãng 10 năm nay bắt đầu làm muối, tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định. Có điều, "nghề làm muối giống như đánh bạc với trời. Đang nắng chang chang, chỉ một cơn mưa bất chợt là thành "công dã tràng". Anh kể, nhà có hơn 2ha ruộng muối, trừ chi phí mỗi năm cũng lời gần 100 triệu đồng, tuy nhiên năm nay mưa trái mùa nên sản lượng giảm đáng kể. Năm 2011, nhờ Nhà nước tăng giá muối nên nhà cũng có "của ăn, của để".

Đứng ở bãi biển Cần Thạnh phóng tầm mắt sang TP biển Vũng Tàu, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Thanh rủ rỉ kể: "Cần Giờ là nơi người Việt sớm đặt chân tới trong quá trình mở cõi phương Nam. Nhưng trước ngày giải phóng và cả nhiều năm sau đất này vẫn nghèo nàn, lạc hậu. Hơn chục năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của TP, Cần Giờ mới có bước tiến thần kỳ". Giao thông, điện, nước từng bước đáp ứng nhu cầu người dân. Cần Giờ đang giữ vai trò quan trọng về nhiều mặt ở cửa ngõ Đông Nam của TP. Hơn 38.000ha rừng ngập mặn - tài sản quý không chỉ riêng của TP sau khi UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển thế giới" vào năm 2000 - mỗi năm đón khoảng nửa triệu khách du lịch, đem lại nguồn thu đáng kể, tạo động lực phát triển KT-XH. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất tăng 13,2%, vượt kế hoạch 0,2%. Thu nhập từ thủy sản ước đạt gần 1.000 tỷ đồng, dịch vụ - thương mại đạt 4.500 tỷ đồng… Quý I năm nay, mặc dù nền kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự năng động của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, cùng với nỗ lực của người dân, tổng giá trị sản xuất của huyện vẫn tăng 32% so với cùng kỳ…

Cảm nhận từ "bức tranh" tương lai của Cần Giờ khiến con đường Rừng Sác đưa chúng tôi về TP như ngắn lại. Lúc chạy xe lên phà Bình Khánh, chợt ao ước tới cái ngày con phà cần mẫn kia được thay thế bằng cây cầu khang trang, hiện đại, chắp thêm cánh cho vùng đất này bay tới đích ấm no, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng đất mặn cất cánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.