33 năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl tại Ukraine, khu vực xung quanh nhà máy điện nguyên tử vẫn là vùng đất bị bỏ hoang mang màu sắc của cái chết.
Ngày 26-4-1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine phát nổ, gây ra một trong những thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất lịch sử. Sau 33 năm, nồng độ phóng xạ ở đây vẫn ở mức rất cao. Trong ảnh, những con búp bê được đặt lên giường của một trường mẫu giáo bị bỏ hoang gần nhà máy.
Vùng đất xung quanh nhà máy tại thành phố Pripyat bị bỏ hoang cho đến nay. Vụ nổ khủng khiếp đến mức bụi phóng xạ xuất hiện ở Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan, cách nhà máy hơn 1.600 km khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán và tái định cư.
Thời điểm xảy ra sự cố, 4 lò phản ứng sản xuất ra khoảng 10% lượng điện cho Ukraine. Hai lò phản ứng số 5 và số 6 cũng đang được xây dựng. Sau đó, nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất điện đến khi phải đóng cửa hoàn toàn vào năm 2000 do sức ép của quốc tế. Trong ảnh là một công viên giải trí ở trung tâm thành phố Pripyat bị bỏ hoang.
Trong một căn nhà bị bỏ hoang điển hình ở thành phố Pripyat, đồ vật mục nát, không có dấu hiệu của con người. Đến nay, số người thiệt mạng trong thảm họa vẫn là đề tài gây tranh cãi. Một báo cáo của Chernobyl Forum cho rằng khoảng 50 người, chủ yếu là công nhân trong nhà máy, thiệt mạng do nhiễm phóng xạ và 4.000 người khác chết sau đó.
Trong ảnh là một ngôi nhà bị bỏ hoang ở làng Zalesye gần nhà máy điện Chernobyl. Đến nay, vùng có bán kính 40 km xung quanh nhà máy vẫn không có dấu hiệu sự sống sau hơn 3 thập kỷ. Theo Telegraph, khoảng 50.000 người dân đã sơ tán để tránh chất phóng xạ. Họ vẫn chưa thể quay về vì nồng độ phóng xạ vẫn ở mức cao. Đây là một trong những điểm nhiễm phóng xạ nặng nhất trên hành tinh hiện nay.
Tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh từng khẳng định có thể hơn 90.000 người đã chết vì ung thư do nhiễm chất phóng xạ sau vụ nổ, không phải khoảng 4.000 người theo báo cáo của Chernobyl Forum. Trong ảnh là quảng trường ở thành phố Pripyat bị xuống cấp trầm trọng. Trước năm 1986, đây từng là nơi tấp nập người qua lại.
Các nhà khoa học cho biết, mức phóng xạ trong vụ nổ tại Chernobyl cao gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. 36 giờ sau sự cố, chính quyền Liên Xô phải sơ tán khẩn cấp 120.000 người khỏi khu vực, bao gồm 43.000 dân ở Pripyat.
Nhiều căn hộ, văn phòng tại thành phố Pripyat vẫn bị bỏ lại y nguyên sau vụ nổ năm xưa. Nồng độ phóng xạ ở những thành phố, thị trấn tiếp giáp vùng cách ly vẫn cao gấp 20-30 lần so với nồng độ phóng xạ ở những nơi khác.
Một chiếc cũi sắt rỉ sét trong căn hộ với giấy dán tường bong tróc ở ngôi làng bỏ hoang Zalesye.
Các nhà khoa học cho rằng nồng độ phóng xạ ở thành phố này chỉ quay về mức bình thường và an toàn cho con người sinh sống trong 24.000 năm nữa.
Chiếc đu quay trong khu vui chơi thành phố Pripyat "chết" dần theo thời gian.
Một ngôi nhà bị bỏ hoang chỉ còn trơ lại cánh cổng ở làng Zalesye.
Đồ chơi còn lại trong một trường mẫu giáo ở thành phố Pripyat. Hàng trăm người đã chọn quay trở về Chernobyl để sống nốt quãng đời còn lại. Phần lớn người dân Ukraine coi khu vực có bán kính 40 km xung quanh nhà máy Chernobyl là điểm đen trên bản đồ. Nhưng đối với những người đã gắn bó với Chernobyl trước khi thảm họa xảy ra, nó vẫn là quê hương và nơi làm việc.
"Quan tài" cho lò phản ứng thứ tư là một cấu trúc được xây dựng để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ từ phần còn lại của lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Một nhân viên làm việc trong trung tâm điều khiển của lò phản ứng thứ ba đã dừng hoạt động tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Các công nhân vẫn làm việc thầm lặng trong nhà máy, bất chấp sự tồn tại của vùng cách ly. Nhiệm vụ của họ là đưa nhà máy về trạng thái ngừng hoạt động một cách an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.