Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vùng đất bị lãng quên nơi đất mũi Cà Mau

HA OANH| 27/08/2008 07:02

Ông bà ta thường bảo, đất nở là dấu hiệu đầu tiên của sự sung túc, giàu có, thịnh vượng. Bởi vậy, người dân ấp Cồn Cát, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn (Cà Mau) cứ thấp thỏm mừng khi thấy thêm một cồn nữa sắp nổi lên. Thế nhưng, giàu có, thịnh vượng đâu không thấy, chỉ thấy, sau hơn 30 năm giải phóng rồi mà nghèo đói vẫn chưa buông tha họ.

Ông bà ta thường bảo, đất nở là dấu hiệu đầu tiên của sự sung túc, giàu có, thịnh vượng. Bởi vậy, người dân ấp Cồn Cát, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn (Cà Mau) cứ thấp thỏm mừng khi thấy thêm một cồn nữa sắp nổi lên. Thế nhưng, giàu có, thịnh vượng đâu không thấy, chỉ thấy, sau hơn 30 năm giải phóng rồi mà nghèo đói vẫn chưa buông tha họ.

Cồn Cát nằm ở cửa sông Cửa Lớn đổ ra biển Tây. Trong khi ở những nơi khác, người ta còn hướng đến xây dựng những con lộ ôtô về đến trung tâm xã, thì ở đây, người dân Cồn Cát chỉ dám mơ đến một con lộ đất đen hoặc mơ đến ngày lòng sông được nạo vét để việc đi lại dễ dàng hơn.

Người dân lại mơ đến ngày được kéo điện, mơ có trường học và trạm y tế, mơ có chợ… Nhưng tất cả vẫn chỉ là mơ. Hiện tại, người dân nơi đây phải đối mặt với vấn nạn tôm chết kéo dài và lại mơ có một ngày, kỹ sư xuống được tới ấp…

Sông sắp nên... cồn

Cồn Cát nằm cách UBND xã Lâm Hải khoảng 17km. Ở đây có 167 hộ nhưng có đến trên 65 hộ dân sống tạm trú. Khoảng 60% hộ có vuông tôm, số còn lại không đất sản xuất, chủ yếu đi làm thuê hoặc làm “lâm tặc” sống bám rừng, bám biển. Cả ấp có 6 con rạch thì đều bị lấp hết cả 6. Tuyến bãi là nơi tụ họp nhiều dân tạm trú nhất, vì ở đó người ta có thể “hành nghề” mò cua, bắt ốc hay đãi sò để mưu sinh.

Người dân ấp Cồn Cát như đang sống biệt lập ở một thế giới nào đó xa xôi lắm. Không chỉ không có đường mà không điện, không trường học, không chợ và không có luôn cả trạm y tế.

Anh Nguyễn Văn Tam, Trưởng ấp Cồn Cát, bảo: “Hôm rồi thấy dân bức xúc quá nên xã đã đồng ý cho nạo vét rạch Ông Phải với chiều dài 3 cây số. Thấy xã xuống đo đạc, dân ở đây ai cũng phấn khởi ra mặt. Nhưng rồi nghe đâu “bị dính” với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nên không thể nạo vét được. Vậy là người dân lại mừng hụt vì kế hoạch không thành”.

Với tâm trạng nặng trĩu âu lo, anh Tam có ý nhắc nhở: “Nếu ai lỡ đi đường này vào con nước ròng thì chịu khó “người ơi người ở đừng về…”. Vậy đó, bà con ở đây nếu có lỡ bệnh hoạn thì… chịu khó đợi nước lên hãy đi bệnh viện. Còn nếu không đợi được thì người nhà chịu khó cõng bộ người bệnh qua xã bên mới có trạm y tế”.

Anh nhớ lại, đã 20 năm rồi nhưng những con kênh này chưa một lần được nạo vét. Anh lại lo lắng, thêm một cồn nữa sắp nổi lên, kênh sẽ bị lấp. Không biết bao giờ người dân nơi đây hết bị bỏ quên như những con kênh này.

Người dân ấp Cồn Cát như đang sống biệt lập ở một thế giới nào đó xa xôi lắm. Không chỉ không có đường mà không điện, không trường học, không chợ và không có luôn cả trạm y tế. Tất tần tật đều phải nhờ vả vào xã bên (xã Viên An). Đến nỗi, tôm chết gần 6 năm nay nhưng chưa một lần thấy kỹ sư xuống lấy mẫu hoặc tìm hiểu nguyên nhân.

Chính quyền cũng "không tiền"

Cuối năm 2007, tổng số hộ dân trong ấp là 232 hộ và có 26 hộ nghèo. Tháng 6/2008 chỉ còn có 167 hộ (giảm 65 hộ so với cuối năm 2007) nhưng số hộ nghèo thì không giảm. Anh Tam giải thích… đơn giản: “Tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, đời sống người dân ngày càng khốn khó nên nhiều hộ đã bỏ đi nơi khác để sinh sống”.

Anh kể lại: “Cơn bão số 5 (năm 2006), bà con ấp Cồn Cát này thiệt hại rất lớn. Chưa “phục hồi được công lực” thì đợt triều cường năm 2007 đã làm cho mùa màng chìm trong biển nước. Rồi đến năm nay, nạn tôm chết kéo dài, khó khăn chất chồng khó khăn. Đã có không ít bà con bỏ Cồn Cát đi lập nghiệp nơi khác”.

Người dân trong ấp phải chịu nhiều sự quản lý chồng chéo đến nỗi, một chiếc xáng muốn vào sên vét vuông trong ấp phải xin ý kiến rất nhiều cơ quan chủ quản. Từ Tiểu khu 143 đến Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, rồi đến UBND xã Lâm Hải… Chính vì việc xin phép quá nhiều đơn vị nên giá thành sên vét vuông ở ấp này cũng đội lên rất cao. Thay vì ở nơi khác giá chỉ vài trăm nghìn đồng/công thì ấp này phải đến 1 triệu đồng/công.

Trong khi đó, vốn vay ngân hàng chỉ ở mức 15-20 triệu đồng/hộ (vì đây là đất “sổ xanh”). Như vậy, với nguồn vốn khiêm tốn này, nông dân chỉ đủ để đưa xáng vào sên vét vuông thôi, tiền đâu để thả giống rồi còn phải lo cái ăn để chờ ngày thu hoạch. Nếu hên, trúng mùa thì mừng vì có tiền tái đầu tư cho vụ sau. Tuy nhiên, nhiều năm rồi bà con ấp Cồn Cát chưa được hên nên cái nghèo vẫn còn đeo bám mãi…

Đâu chỉ có dân khó mà ngay cả chính quyền ấp cũng thấy “khó ở” với khoản kinh phí khiêm tốn. Mỗi tháng, kinh phí khoán hẳn cho ấp là 500 nghìn đồng. Theo đó, chỉ cần tính sơ sơ tiền xăng dầu đi lại thôi đã ngốn hết 100 nghìn đồng (5 lít xăng)/lượt đi giáp ấp. Mà mỗi tháng cán bộ ấp đâu chỉ một lần đi giáp ấp. Rồi tiền xăng cho 17 cây số để lên xã dự họp hoặc báo cáo…

Như vậy, với số tiền ít ỏi đó, cán bộ ấp phải là người can đảm lắm mới dám nhận nhiệm vụ. Vậy nên chức Trưởng ấp do anh Nguyễn Hoàng Bắc (nay là Bí thư chi bộ) làm 3 nhiệm kỳ (từ 2001-2007) mới có người thay.

Điện chưa được kéo về, thiếu ánh sáng văn hóa nên ý thức người dân trong vấn đề học hành của con cái cũng bị hạn chế. Toàn ấp 5 năm nay chỉ có 2 em học đến đại học. Còn lại đa số là bỏ học giữa chừng và đi làm thuê ở các tỉnh khác. Không có những mô hình làm ăn hiệu quả để nhân rộng trong dân.

Tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, nạn ốc đinh hoành hành trong các vuông tôm gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay làm tôm nuôi bị chết, bà con muốn chuyển sang nuôi những loài thủy sản khác thì không vốn, không am hiểu kỹ thuật nên thôi.

Chờ ngày được nhớ đến

Người dân ấp Cồn Cát này dường như đã bị bỏ quên từ lâu lắm. Họ tự bươn trải cho cuộc sống của mình, ai không chịu nổi với sự khắc nghiệt đó thì bỏ làng, bỏ ấp mà đi tha phương cầu thực.

Ông Nguyễn Văn Chót, 52 tuổi rồi nhưng chưa có được mái nhà lành lặn để ở. Có lẽ “thành quả” cuối cùng sau 17 năm trụ lại Cồn Cát này là 8 người con và một cuộc sống đạm bạc, cơ khổ. Các con của ông lớn lên cũng không được học hành đến nơi đến chốn, sống bằng nghề làm thuê. Trước đây, ông là hộ nghèo nhất ấp nhưng mới bị rút sổ cách đây không lâu vì sắm được xuồng máy.

Ông bức xúc: “Trước đây làm “lâm tặc” bị bắt, phạt hoài chịu không nổi, nay phải vay nợ sắm cái xuồng máy để đi giăng lưới cá đối, đăng cua để sống qua ngày. Làm ăn chưa thấy khấm khá mà sổ hộ nghèo thì bị rút rồi, cuộc sống gia đình rồi đây sẽ càng khó khăn hơn".

 Có 3 đứa cháu nội, đứa lớn mới học đến lớp 5, 2 đứa nhỏ đã gần 9 tuổi rồi nhưng chưa một lần đến lớp. Nhà nghèo, gia đình có đến 8 miệng ăn nhưng mỗi tháng chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng thì tiền đâu để đi đò hàng trăm nghìn đồng mỗi tháng để đến xã bên vào lớp học.

Không riêng gì gia đình ông Ba Chót mà toàn ấp có khoảng trên 90% hộ dân đều nợ ngân hàng. Mấy năm nay tôm thất, nợ càng chồng nợ. Như trường hợp anh Phạm Văn Dũng, Trưởng Công an ấp, là người chí thú làm ăn mà đã 4 năm nay thất trắng. Mỗi con nước chỉ đủ tiền để thả giống cho vụ sau.

Hơn 30 năm sau giải phóng, con người ở đây khát khao có được ánh điện, có được mái trường hay con đường chẳng hạn. Nhưng mơ ước cũng vẫn chỉ là mơ ước. Điện vẫn chưa thấy về, đường mới chưa có trong khi đường cũ không còn đi được. Chỉ có cái nghèo vẫn còn mãi qua năm này tháng nọ cùng người dân Cồn Cát.

N.H /VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng đất bị lãng quên nơi đất mũi Cà Mau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.