(HNNN) - Với mong muốn tập hợp, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông đã sáng lập Vụn Art (một tổ chức chuyên làm các sản phẩm thủ công từ vải vụn) từ năm 2017. Với hơn 20 nhân công, Vụn Art đã xây dựng được thương hiệu ngày càng lớn mạnh, góp phần giữ gìn, quảng bá văn hóa truyền thống.
Vực dậy niềm vui sống
Đã nhiều lần dự các buổi triển lãm, quảng bá sản phẩm của Vụn Art, điều làm tôi ấn tượng nhất chính là các sản phẩm dù được làm từ vụn vải nhưng luôn sống động, kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Từ ngưỡng mộ đến tò mò, tôi đến thăm cơ sở Vụn Art ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) đúng dịp Vụn Art sắp sửa cho ra đời một sản phẩm mới.
Cầm trên tay những sản phẩm độc đáo, đầy màu sắc và mang đậm tính nghệ thuật, không ai nghĩ làm ra nó là những người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Ngọc Viên (sinh năm 1975, quê ở Hà Đông) cho biết chị đã làm việc ở đây khoảng 3 năm. Sau buổi ban đầu bỡ ngỡ, chị Viên đã nhanh chóng làm được những sản phẩm đẹp mắt và có thu nhập hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nên mắt chị nhìn rất kém, đi lại khó khăn. Với chị, việc có được công việc tại Vụn Art là điều hết sức may mắn.
Còn với chị Lê Nguyễn Thùy An (sinh năm 2000, quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), từ lâu Vụn Art đã là ngôi nhà thứ hai của chị. “Là người khuyết tật từ miền Trung tới Hà Nội, tôi may mắn được anh Lê Việt Cường tạo điều kiện vào làm việc tại đây. Hiện nay, thu nhập của tôi khá ổn, nếu tăng ca thì được khoảng 3 triệu đồng/tháng. Với người khuyết tật như tôi thì mức lương đó khá ổn. Tôi muốn được gắn bó lâu dài với cơ sở, bởi nơi này không chỉ mang lại thu nhập mà còn là nơi tôi được sinh hoạt, giao lưu với những người cùng cảnh ngộ” - chị An nhấn mạnh.
Chị Viên, chị An là 2 trong số hơn 20 người khuyết tật đang làm việc và nhận được nguồn năng lượng tích cực từ Vụn Art. Với họ, Vụn Art thực sự là mái ấm bình yên, chan chứa tình người, nơi họ được lắng nghe và sẻ chia. Và, khi nhắc về “thuyền trưởng” Lê Việt Cường, đôi mắt họ ánh lên sự biết ơn. Với họ, anh Cường là tấm gương về nỗ lực vượt khó. Là người khuyết tật từ năm 1 tuổi do di chứng của bệnh bại liệt nhưng anh Cường không đầu hàng số phận mà luôn vươn lên trong cuộc sống.
Con đường không trải hoa hồng
Nhìn xưởng ngày càng đông nhân viên, sản phẩm làm ra ngày càng đẹp mắt và được phân phối đến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, anh Lê Việt Cường bồi hồi nhớ lại: “Năm 2013, tôi cùng 5 người bạn thành lập công ty làm thú nhồi bông và tuyển người khuyết tật vào làm. Sau 7 năm hoạt động, nhờ sự hỗ trợ của các ban, ngành, chính quyền quận và đặc biệt là nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, chúng tôi đã có một thương hiệu uy tín và tạo việc làm ổn định cho một số người khuyết tật. Song, vì sản phẩm khó làm, lại phải cạnh tranh gay gắt, không thể mở rộng hoạt động nên tôi nhận thấy cần lập một mô hình mới, mang lại việc làm cho nhiều người khuyết tật hơn. Ngày 8-3-2017, khi đến thăm Hội Người khuyết tật quận Hà Đông và cơ sở thú nhồi bông của tôi, đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông đã gợi ý: “Hội cần phải sáng tạo thêm nghề, tạo sinh kế bền vững cho người khuyết tật cũng như tạo ra nguồn thu từ hoạt động này để Hội có kinh phí hoạt động lâu dài. Trước mắt Hội người khuyết tật sẽ tổ chức đào tạo nghề tranh ghép vải cho người khuyết tật trên địa bàn quận và tôi sẽ trực tiếp đào tạo vào các buổi chiều sau giờ làm việc (sau này chúng tôi mới biết ông cũng là họa sĩ). Vụn Art được hình thành từ ý tưởng ấy”.
Tháng 10-2017, một lớp học nhỏ được hình thành và 10 người khuyết tật đầu tiên tham gia học nghề. Việc tuyển sinh rất khó khăn, anh Cường phải đi từng nhà để vận động người khuyết tật đến học nghề. Tiếp đó, anh Cường đi khắp các xưởng may, công ty may lân cận để xin vải vụn; vải cotton để các thành viên học nghề và trải nghiệm, còn vải lụa thì dùng để ghép thành tranh rồi bán. Ngoài số tiền của cá nhân anh Cường, cơ sở còn nhận được sự tài trợ của Quỹ Abilis (Phần Lan) với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. “Những sản phẩm đầu tiên tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018 đã nhận được sự cổ vũ kịp thời (giành giải Khuyến khích), đạt sản phẩm 4 sao năm 2019 trong chương trình OCOP của UBND thành phố Hà Nội. Hiện nay, khách hàng của cơ sở là nhiều bộ, ngành, cơ quan, tập đoàn lớn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán Indonesia, Đại sứ quán Đức, Viện Goethe, Tập đoàn Viettel, Công ty Panasonic, Tập đoàn Venus, Tổng Công ty Bảo Việt... Do nhu cầu của thị trường, ngoài tranh ghép vải, cơ sở đã phát triển thêm những dòng sản phẩm mới phục vụ đời sống, du lịch, quà tặng như túi vải, áo phông, áo dài, ví vải...” - anh Cường chia sẻ.
Lan tỏa tinh thần nhân văn
Hiện nay, cơ sở có 21 nhân công, trong đó có 18 người khuyết tật. Ngoài mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, Vụn Art đóng 100% tiền bảo hiểm xã hội, thuê nhà ở cho người khuyết tật. “Việc đào tạo không chỉ là dạy nghề, mà còn là một liệu pháp giúp người khuyết tật phục hồi thương tổn, đặc biệt là những tổn thương về tinh thần. Sự thay đổi thấy rõ đó chính là món quà mà gia đình người khuyết tật nhận được. Giờ đây họ tự tin hơn, lạc quan hơn, không còn nhút nhát mặc cảm nữa. Mang lại niềm vui sống cho họ, đó mới chính là thành tựu thật sự của chúng tôi, thành tựu nhân văn, hướng đến con người. Sự nỗ lực của người khuyết tật, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và sức mạnh cộng đồng như kiềng ba chân vững chắc giúp Vụn Art hình thành, tồn tại và phát triển như ngày hôm nay” - anh Cường nhấn mạnh.
Vui mừng trước sự phát triển của Vụn Art, chị Nguyễn Thị Giang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) cho biết, hiện nay Vụn Art đang phát triển khá đa dạng, không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm tranh ghép vải mà còn hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, các bạn trẻ và du khách đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh ghép vải. Mô hình này giúp học sinh cũng như du khách trân trọng hơn sức lao động của những người khuyết tật. “Nhân viên ở đây là những người khuyết tật ở nhiều độ tuổi, họ tìm được niềm vui đến từ quá trình lao động, tự tay tạo nên những sản phẩm có giá trị. Vậy nên, Vụn Art không chỉ là nơi những mảnh vải vụn được tận dụng để tạo thành tranh nghệ thuật, mà còn là nơi thắp nên niềm lạc quan sống của biết bao con người. Tuy thu nhập ở đây chưa cao nhưng cũng là nguồn thu nhập ổn định với người khuyết tật. Hội viên có môi trường làm việc, có thêm niềm vui sống, xóa bớt mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng” - chị Giang nhấn mạnh.
Cũng vì mục tiêu lan tỏa hơn nữa tinh thần nhân văn ấy mà những năm qua, Vụn Art đã trở thành một trong những mô hình kinh tế tập thể có thương hiệu ở Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo gắn liền với tạo việc làm cho người khuyết tật, thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về khả năng lao động, sáng tạo của người khuyết tật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.