Thể thao

Vui xuân nhưng không quên việc chính

Minh An 17/02/2024 13:44

Sau Tết là lúc hội làng diễn ra ở nhiều địa phương tại Hà Nội. Trong chương trình lễ hội không thể thiếu những môn đấu thể thao quen thuộc như vật, bóng chuyền.

Các nhà quản lý, HLV biết điều này, cũng cố gắng tạo điều kiện cho VĐV tham dự nhưng vẫn yêu cầu họ đặt việc tập luyện lên trên hết.

the-thao.jpg
Đội tuyển vật quốc gia sẽ tập trung tập luyện ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024.

Vừa vui vừa nhiều tiền thưởng

Từ nhiều năm nay, các giải đấu thể thao ở nhiều hội làng tại Hà Nội có sức hút khá lớn với khách thập phương. Các giải đấu này góp phần phục vụ nhu cầu giải trí của khách tham gia lễ hội và chính người dân địa phương. Nếu kiểm đi đếm lại thì vật và bóng chuyền vẫn là hai môn thể thao xuất hiện ở nhiều lễ hội hơn cả. Trong đó, môn vật xuất hiện ở khắp các địa phương. Trong khi bóng chuyền da lại có mặt ở nhiều lễ hội tại Gia Lâm, Đông Anh.

Ở mỗi lễ hội, tùy vào khả năng huy động kinh phí xã hội hóa của ban tổ chức địa phương cũng như uy tín của lễ hội mà sức hút cũng khác nhau. Tất nhiên, mức thưởng và cách thưởng ở các hội làng cũng là điều khiến nhiều VĐV - cả VĐV phong trào cũng như chuyên nghiệp - muốn góp mặt. Giờ đây, mức thưởng cho đội vô địch một giải bóng chuyền ở hội làng - thường chỉ diễn ra trong 2 ngày - ít nhất cũng ở mức vài chục triệu đồng; không kể chi phí mời ăn, ở, đi lại cho các đội.

Ngoài ra, tại giải bóng chuyền ở hội làng, việc trận đấu tạm dừng để khán giả thưởng "nóng" cho những vận động viên thực hiện pha bóng đẹp mắt trước đó cũng không hiếm, gây thích thú cho khán giả. Thế nên, có hội làng, như hội Nguyên Khê ở Đông Anh vào năm 2023 cũng thu hút hàng chục VĐV đang thi đấu ở các đội bóng chuyền chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố như Hà Nội, Thể Công, Biên phòng. Các cầu thủ này thi đấu dưới màu áo nhiều đội khác nhau, cạnh tranh sòng phẳng, khiến khán giả thực sự hài lòng.

Ở các hội vật, mức thưởng cho nhà vô địch lên tới 10 - 20 triệu đồng, không kể giải thưởng bằng hiện vật như tivi, xe máy… cũng đã trở thành bình thường. Ngoài ra, khán giả có thể thưởng thêm cho nhà vô địch với mức thưởng nhiều khi ngang bằng hoặc hơn mức thưởng "cứng" của ban tổ chức.

Cũng như bóng chuyền, khoản thưởng "nóng" cho vận động viên có bài se đài hay những đòn vật "bắt mắt" khiến đối thủ phải “lấm lưng, trắng bụng” thường từ một trăm nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng cũng đã thành quen thuộc với người xem… Với thu nhập hơn chục triệu đồng tại các đội vật hiện nay, nhiều đô vật có ý xem hội làng là nơi có thể mang lại thu nhập đáng kể bên cạnh niềm đam mê vui hội đầu năm.

Đến mùa lễ hội dịp sau Tết Nguyên đán 2024 này, đương nhiên vật và bóng chuyền vẫn là những “món ăn” không thể thiếu. Đi kèm với niềm vui xuân mới là những khoản tiền thưởng có thể bằng tiền lương cả tháng của VĐV ở đội vật hay bóng chuyền.

Cần có chừng mực

Sau Tết Nguyên đán là cả nước tưng bừng lễ hội, nhưng đó cũng là lúc các đội thể thao, trong đó có vật và bóng chuyền, bắt tay vào công tác tập luyện để chuẩn bị cho các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia. Cũng vì vậy, nhiều đội thể thao dù muốn tạo điều kiện để tham gia hội làng, có thêm thu nhập cũng như cọ xát nhưng cũng phải cân nhắc rất kỹ. Bởi trước đây từng có không ít VĐV vì mải dự hội làng nên bê trễ việc tập luyện, thậm chí bị chấn thương khi thi đấu ở hội làng.

Trưởng bộ môn bóng chuyền (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Bùi Đình Lợi chia sẻ rằng, nếu lịch thi đấu hội làng vào đúng ngày VĐV phải tập luyện theo giáo án thì họ sẽ phải chấp nhận đứng ngoài cuộc chơi. Còn nếu lễ hội diễn ra vào ngày nghỉ mà VĐV dự hội làng thì phía bộ môn cũng không can thiệp. Chia sẻ của ông Bùi Đình Lợi cũng có cái lý khi đội bóng chuyền nam và nữ Hà Nội đều phải bước vào giai đoạn chuẩn bị cao điểm cho Giải vô địch quốc gia 2024, nơi mà sự cạnh tranh được dự báo cực kỳ khốc liệt.

Trong khi đó, ở môn vật, các đội cũng bước vào chu trình huấn luyện mới để chuẩn bị cho các giải đấu quốc gia cũng như quốc tế. Ở đội tuyển quốc gia, các đô vật được đầu tư cho giải vô địch châu Á vào tháng 4-2024 hay vòng loại thế giới tranh vé dự Olympic 2024 vào tháng 5, nên VĐV được lệnh phải hoàn toàn tập trung cho công tác huấn luyện.

Phụ trách môn vật (Cục TDTT) Tạ Đình Đức cũng cho rằng, sức hút của hội làng luôn luôn lớn nhưng VĐV phải xác định rõ đâu là việc cần ưu tiên. Các đội vật trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng xác định rõ là VĐV chỉ có thể dự hội làng vào ngày nghỉ, đồng thời phải bảo đảm không để xảy ra chấn thương. Tóm lại là phải giữ “chừng mực” để bảo đảm nhiệm vụ về lâu dài.

Hội làng luôn có sức hút, nhưng rõ ràng là những VĐV chuyên nghiệp phải chấp nhận gạt bớt niềm vui dự hội. Xét cho cùng, đó cũng là cách để giữ lấy cái nghiệp của chính VĐV.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vui xuân nhưng không quên việc chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.