Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui Xuân Nhâm Thìn trên VTV6

T.Minh| 20/01/2012 23:20

(HNMO)- Tết Nhâm Thìn đang đến gần, nhằm phục vụ khán giả những món ăn tinh thần trong những ngày Tết, Ban biên tập VTV6 đã tổ chức các chương trình mừng Xuân đậm chất dân gian và không khí Xuân, cùng đón xem các “món ngon” trên VTV6 trong những ngày này...



(HNMO)- Tết Nhâm Thìn đang đến gần, nhằm phục vụ khán giả những món ăn tinh thần trong những ngày Tết, Ban biên tập VTV6 đã tổ chức các chương trình mừng Xuân đậm chất dân gian và không khí Xuân, cùng đón xem các “món ngon” trên VTV6 trong những ngày này:

Nắng xuân : Du xuân 3 miền

Nắng xuân : là chương trình Tết thường niên của VTV, Nắng xuân mang tới không khí lễ hội dân gian trong hơi thở trẻ trung, hiện đại của Tết Nhâm Thìn 2012.

Con số 3 luôn gắn kết với các chương trình Nắng xuân. 3 trò chơi trong chương trình đều gắn kết với hình ảnh con rồng, đó là trò Đua thuyền rồng trên biển mô phỏng từ lễ hội được tổ chức vào ngày 4 Tết hàng năm ở Quảng Ninh, Hát những câu hò điệu lý liên quan đến đồ vật, hình ảnh của người miền Trung ; Trang trí 3 đầu rồng bằng các loại hoa quả.

3 đội chơi tham gia chương trình là đội thiếu nhi Trung tâm Sol Art cùng đội trưởng là diễn viên hài Minh Béo, đội Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh thông tin - Liên Việt Post Bank và đội trưởng là ca sỹ Đinh Mạnh Ninh, đội Chiến sĩ sư đoàn 325 cùng đội trưởng là Hoa hậu Ngọc Hân.



Nhiều tiết mục văn nghệ được trình diễn trong chương trình: Nhạc Xuân, sáng tác: Mary O'donel, lời Việt và dàn dựng: Đặng Châu Anh, biểu diễn: Hợp xướng Thiếu nhi Trung tâm Sol Art; Nổi trống lên các bạn ơi, sáng tác: Phạm Tuyên, biểu diễn: Thiếu nhi Trung tâm Sol Art và diễn viên hài Minh Béo; Dạo Huế cùng anh, sáng tác: Quỳnh Hợp, biểu diễn: Lương Viết Quang; Những ô cửa sắc màu, sáng tác & biểu diễn: Đinh Mạnh Ninh, Đón Xuân, sáng tác: Phạm Đình Trương, biểu diễn: Dương Hoàng Yến; Lắng nghe mùa xuân về, sáng tác: Dương Thụ, biểu diễn: nhóm Tình bạn và các khách mời

Chương trình Nắng xuân – Du xuân 3 miền phát sóng lúc 19h50 thứ hai ngày 23/1 (tức mùng 1 Tết) trên kênh VTV6 .


Cầu Truyền hình giả tưởng Chào xuân 2030: Tết trong… mơ

Mỗi người sinh ra đều có một ước mơ và mong muốn trong tương lai, ước mơ đó sẽ trở thành hiện thực. Câu chuyện giả tưởng năm 2030 bắt đầu từ câu chuyện của 1 em bé bán báo của 18 năm trước (năm 2012) ước mơ được trở thành 1 MC truyền hình. Trong giấc ngủ mệt sau một ngày rong ruổi khắp mọi nơi, cô bé đã mơ thấy mình được trở thành một MC nổi tiếng... và trong giấc mơ ấy, ước mơ của mọi người về cuộc sống tương lai đều đã trở thành sự thật.

Cầu truyền hình giả tưởng 2030 là một chương trình truyền hình tổng hợp với nhiều thể loại: tiểu phẩm, ca nhạc. Các MC tham gia gồm có: Nguyên Khang, Thu Hiền, Quốc Lê, Quỳnh Trâm và nhiều diễn viên hài: Minh Béo, Đức Khuê, Việt Thái…



Chương trình được sản xuất tại Hà Nội, TP.HCM và vùng cao Tây Bắc. Nhiều câu chuyện của năm 2030 được thể hiện dưới lăng kính ước mơ đan xen sắc màu dí dỏm như Việt Nam sản xuất siêu xe Bentley, có hãng Tên lửa quốc gia Việt Nam với những chuyến bay lên… Sao Hỏa, dự báo thời tiết năm 2030 nhiêt độ trung bình đã lên tới… 450c, đội tuyển bóng đá Việt Nam… có mặt tại Vòng chung kết World Cup 2030

Những ước mơ ấy có thể trở thành hiện thực, và cũng có thể chỉ là… giấc mơ. Nhưng điều tuyệt vời nhất trong dịp Tết Nhâm Thìn là tất cả mọi người cùng có những ước mơ đẹp để bước vào một năm mới thành công.

Chương trình phát sóng lúc 19h50 ngày 24/1 (tức mùng 2 Tết) trên kênh VTV6.


Gala 11 năm “Người đương thời": Người đương thời và tôi

Gala 11 năm Người đương thời là một buổi gặp mặt đầu năm trang trọng, gần gũi, ấm cúng, vui tươi, xúc động của những nhân vật, khán giả và những người làm chương trình. Cùng nhìn lại hành trình 11 năm qua, Gala lưu lại những gì khán giả cảm nhận được từ một chương trình nói về những tấm gương người tốt việc tốt.

Với 3 nội dung: “Từ khâm phục đến hành động”, “Sự cảm động” và “Những góc nhìn khác”, chương trình Gala 11 năm Người đương thời mang tới nhiều cuộc hội ngộ giữa khán giả với các nhân vật từng xuất hiện trong chương trình: nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Nguyên Giám đốc bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM, doanh nhân Giản Tư Trung – hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ An Thuyên, nhạc sĩ Phó Đức Phương, hiệp sĩ công nghệ thông tin Văn Công Hùng, dịch giả Nguyễn Bích Lan, chàng trai trên xe lăn Bạch Đình Vinh, Trần Văn Dũng – người nông dân mù chữ được cấp bằng độc quyền sáng chế máy hút bùn…

Với con số kỷ lục – 21 khách mời tham gia, Gala 11 năm Người đương thời có rất nhiều chất liệu hay từ những nhân vật đặc biệt của mình. Họ sẽ chia sẻ những câu chuyện mới, tham gia những trò chơi, chia sẻ thông điệp đầu năm Nhâm Thìn. Chương trình Gala này cũng là lời chia tay của Người đương thời với khán giả truyền hình sau 11 năm phát sóng.

Gala 11 năm Người đương thời phát sóng 19h50 ngày 26/1 (tức mùng 4 Tết).



Sinh ra từ làng: Hoa của đất

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhà nào cũng có ít nhất một lọ hoa trang hoàng cho ngôi nhà có thêm sắc màu rực rỡ. Đó là lý do để Sinh ra từ làng số Tết gặp gỡ với người nông dân trẻ được ví là “Hoa của đất”. Anh là Nguyễn Tự Quyết, 28 tuổi, bí thư Chi đoàn thôn 3, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Không bị làn sóng đô thị hóa ảnh hưởng, trong khi nhiều thanh niên của làng hoa Tây Tựu từ bỏ nghề trồng hoa, anh Quyết vẫn quyết định gắn bó với nghề truyền thống này. Không mất nhiều thời gian loay hoay trước bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Nguyễn Tự Quyết đã mạnh dạn đầu tư trồng hoa. Diện tích đất trồng của anh ngày càng tăng, từ 4 sào ở những ngày đầu, hiện anh đã có một mẫu hoa gồm các loại hoa hồng và cúc. Mỗi năm, tổng thu từ hoa của gia đình anh ước đạt 600-700 triệu đồng, trừ mọi chi phí, lãi thu về là 300 triệu đồng.

Trong một ngày thực tế ở làng hoa Tây Tựu, Sinh ra từ làng đưa khán giả tới không gian tràn ngập sắc xuân và cùng tìm hiểu những câu chuyện của người làm nghề. Nhìn bên ngoài, đây là một công việc nhàn hạ, thế nhưng có những thời điểm vô cùng vất vả. Như năm 2008, anh đã phải bán 3 sào trong tổng số 4 sào hoa cho giời do nước ngập nặng, năm 2010 xảy ra một đợt rét kỷ lục, vào dịp gần Tết anh đã phải ngủ lại tại ngay rãnh hoa để trông hoa trong cái lạnh dưới 100c… Để có được một bông hoa đẹp mang tới tay người thưởng, nó đòi hỏi người làm phải có tình yêu với công việc và sự kiên nhẫn, miệt mài rất lớn…

Sinh ra từ làng, chủ đề “Hoa của đất” phát sóng lúc 21h ngày 23/1 (tức mùng 1 Tết).


NÚT REC CỦA TÔI: Khám phá cố đô Huế

Nằm trong serie truyền hình thực tế khám phá văn hóa, lịch sử, ẩm thực độc đáo tại 4 kinh đô cổ của Việt Nam: Cổ Loa, Hoa Lưu, Thăng Long và Huế - Tết này, chương trình Nút Rec của tôi sẽ đưa khán giả tới cố đô Huế.

Trong mỗi tập, 2 bạn trẻ sẽ thực hiện 3 nhiệm vụ, qua đó họ sẽ trải nghiệm, khám phá và có thêm những thông tin về lịch sử Việt Nam. Hai nhân vật trải nghiệm của chương trình là hai bạn sinh viên: Trần Quang Huy và Nguyễn Quỳnh Trang.

Ở tập 4 này, 2 bạn trẻ sẽ lên xe khách Bắc – Nam thực hiện hành trình khám phá cố đô. Tuy nhiên, bí mật về thông tin người đồng hành sẽ được giữ kín, và đó là nhiệm vụ đầu tiên mỗi người phải làm khi tới Huế. Sau đó, cả hai sẽ tìm hiểu về Kỳ đài Huế, lăng vua Tự Đức. Cuối cùng, hai nhân vật sẽ xuôi theo dòng sông Hương đến cồn Hến, thưởng thức một món ăn đặc sản – cơm hến.

Chương trình Nút Rec của tôi phát sóng lúc 21h30 thứ ba, 24/1 (tức mùng 2 Tết).


Lựa chọn của tôi: trải nghiệm với nghề Diễn viên múa rối nước

Trong chuyến trải nghiệm ngày xuân, MC Bùi Đức Bảo – dẫn chương trình Vừng ơi mở cửa ra, Let’s get loud tìm hiểu công việc của một diễn viên múa rối nước.

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, trước khi bước vào chương trình Bùi Đức Bảo nghĩ rằng đây là một nghề diễn nhẹ nhàng. Nhưng khi được mặc bộ quần áo cao su nhảy xuống nước, nâng những con rối nặng tới 20 kg… , Bảo mới hiểu công việc này thực sự không hề dễ dàng.

Chuyến trải nghiệm của MC Đức Bảo giúp khán giả trẻ tiếp cận với công việc của nghề diễn viên múa rối nước một cách gần gũi, mới mẻ. Người diễn viên vừa là nghệ sĩ, vừa là người lao động chân tay nặng nhọc. Công việc này đòi hỏi nghệ sĩ múa rối nước phải am hiểu văn hóa dân gian; có kỹ năng biểu diễn tổng hợp: tai nghe nhạc, tay điều khiển con rối, miệng hát theo điệu nhạc; có kỹ năng ứng phó với các sự cố bất ngờ xảy ra…

Sau 2 ngày trải nghiệm cùng nhiều tình huống bất ngờ với Đức Bảo, chương trình Lựa chọn của tôi giúp khán giả trẻ hiểu hơn về một ngành nghề truyền thống. Biết đâu đấy, từ đây sẽ có thêm những bạn trẻ yêu thích công việc này và muốn trở thành một diễn viên múa rối nước.

Chương trình Lựa chọn của tôi phát sóng 21h30 ngày 26/1 (tức mùng 4 Tết).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vui Xuân Nhâm Thìn trên VTV6

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.