Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui Tết an toàn bằng thói quen ăn uống

Thu Trang| 24/01/2022 06:26

(HNM) - Với tâm lý “no 3 ngày Tết”, các bà nội trợ không ngần ngại mua nhiều thực phẩm. Việc tích trữ đồ ăn và bảo quản không đúng cách khiến thực phẩm dễ bị biến chất, ôi thiu, mất an toàn. Thêm vào đó, nhiều nơi, người dân mổ lợn để ăn Tết và ăn tiết canh cho may mắn, thế nhưng, trong tiết canh tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm, như: Tiêu chảy, tả, liên cầu khuẩn… Vì vậy, để đón Tết an toàn, người dân nên thay đổi thói quen ăn uống, tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm Tết của thành phố Hà Nội kiểm tra một hộ kinh doanh, sản xuất rượu tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Trang Thu

Ngộ độc từ những thói quen sai lầm

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, chị Âu Thị Khánh Vân (37 tuổi, ở tổ dân phố số 2 phường Việt Hưng, quận Long Biên) đã đặt mua đủ loại thực phẩm. Chị Vân quan niệm: “Tết là dịp nghỉ ngơi, sum họp, ăn uống nên cần tích trữ nhiều thực phẩm hơn ngày bình thường. Thêm vào đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tích trữ thực phẩm giúp hạn chế đi lại, tiếp xúc và phòng nguy cơ lây nhiễm”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, những ngày này, hầu như gia đình nào cũng mua các thực phẩm: Xúc xích, lạp xưởng, dăm bông, khoai tây chiên... trữ sẵn trong tủ lạnh. Thậm chí, có gia đình mua cả chục cân khoai tây chế biến sẵn ở siêu thị về chiên rán. Việc ăn nhiều đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn đều không tốt cho sức khỏe. Có những gia đình còn tích rất nhiều hải sản, rau, thịt… để ăn lẩu trong dịp Tết. Khi ăn, họ chỉ nhúng hoặc trần tái thực phẩm cũng dễ dẫn đến ngộ độc.

Không chỉ sai lầm trong chế biến, sử dụng thực phẩm, các chuyên gia còn lo ngại về vấn đề bảo quản thực phẩm. Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chất lượng thực phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc, cách bảo quản. Quan niệm coi tủ lạnh là “bảo bối” tích trữ thực phẩm là hoàn toàn sai lầm. Tủ lạnh chỉ làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn, không loại bỏ được hoàn toàn vi khuẩn. Khi đưa quá nhiều loại thực phẩm vào cùng chỗ, chỉ cần một món ăn bị ôi thiu, nấm mốc sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, nấm mốc sang các thực phẩm khác.

Ngay tại một số địa phương, người dân vẫn giữ tập tục mổ lợn chế biến các món trong ngày Tết và không thể thiếu món tiết canh. Đây là căn nguyên gây ra bệnh nguy hiểm liên cầu khuẩn lợn. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, không chỉ lợn bệnh mà cả lợn khỏe mạnh cũng có thể chứa vi khuẩn liên cầu. Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn chiếm 60-100%. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người khi ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa được nấu chín, như: Tiết canh, nem chua… hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh qua các tổn thương, trầy xước trên da...

“Bệnh liên cầu khuẩn lợn có hai thể thường gặp nhất là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu. Với viêm màng não mủ, bệnh nhân bị sốt, đau đầu, buồn nôn, có thể có hôn mê, co giật tùy mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Với thể nhiễm trùng máu, bệnh nhân bị sốt, sốc nếu không được xử trí kịp thời dễ dẫn đến suy gan, thận, tụt huyết áp, rối loạn đông máu…”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thông tin thêm.

Tránh tư tưởng “mâm cao, cỗ đầy”…

Người tiêu dùng nên lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng để tránh những biến chứng có thể xảy ra khi sử dụng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, cả nước xảy ra 58 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.557 người bị ngộ độc, trong đó có 5 người tử vong. Còn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, số ca khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn là 194 trường hợp, trong đó ghi nhận 93 trường hợp rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thức ăn tự chế biến.

Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, để phòng ngộ độc và bảo vệ sức khỏe, mọi người cần hạn chế việc tích trữ thực phẩm, tránh tư tưởng “mâm cao, cỗ đầy” và không nên nấu đi nấu lại thức ăn. Hơn nữa, người dân cần tiết chế trong ăn uống, xây dựng cho mình cách ăn uống khoa học, hợp lý, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh bị ngộ độc. Đừng nên ăn quá nhiều chất đạm, chất béo đến mức làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nên hạn chế ăn các nhóm thực phẩm cay, chua, thực phẩm lên men… Trong mỗi bữa ăn ngày Tết, nên tăng cường thêm rau xanh, hoa quả tươi để cân bằng năng lượng cho cơ thể.

Vào dịp Tết, người dân thường có xu hướng ăn uống thiếu kiểm soát, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, điều này thực sự không nên, nhất là tại thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như của gia đình, cộng đồng. Người dân nên thực hiện ăn chín, uống sôi, chỉ ăn thực phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không ăn đồ tái sống, đồ lưu cữu để phòng, tránh nhiễm vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng cũng như nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vui Tết an toàn bằng thói quen ăn uống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.