Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui buồn “nghề” hiệu trưởng

Minh Khang| 30/04/2012 06:35

(HNM) - Tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, 2.500 trong tổng số hơn 110 nghìn nhà giáo Thủ đô nhưng hiệu trưởng các trường học thực sự là lực lượng quan trọng làm nên diện mạo từng đơn vị, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp


Họ được coi là những "thuyền trưởng" đưa con thuyền giáo dục đi đúng hướng, cả khi trời yên biển lặng lẫn lúc sóng to gió lớn. Trọng trách nặng nề ấy là vinh dự nhưng cũng là những thử thách."Nghề" hiệu trưởng và lao động quản lý có những nỗi niềm mà có lẽ, chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu…

Làm hiệu trưởng: sướng hay khổ ?

Hầu hết hiệu trưởng các nhà trường hiện nay đều trưởng thành từ giáo viên giỏi. Nhưng cương vị hiệu trưởng đòi hỏi họ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải am hiểu từ quản lý nhà nước cho đến những việc "vặt" của một "gia đình" lớn. Họ không chỉ đơn thuần là người quản lý giáo dục, mà còn là chủ tài khoản, là quan tòa, nhạc trưởng, là trọng tài… Tất tần tật mọi việc từ nhỏ đến lớn trong trường đều không thể thiếu bàn tay, trách nhiệm của họ. Bởi thế, không ít hiệu trưởng đùa rằng, làm cán bộ quản lý thì phải lo từ "vươn thở" cho đến " tiếng thơ". Mỗi ngày qua đi không có "sự cố" gì xảy ra với HS, với giáo viên, nhiều khi là cả phụ huynh họ mới dám thở phào nhẹ nhõm. Thực tế cho thấy, tên tuổi của trường thường gắn với tên tuổi của người đứng đầu. Nhưng để có được những điều đó, hiệu trưởng phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí, có lúc chòng chành…

Một trong những vấn đề mà hiện nay hiệu trưởng các trường thường xuyên gặp phải là quản lý tài chính. Kinh phí từ ngân sách cấp có hạn, trong khi yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới của ngành và cả của xã hội lại không chỉ có việc dạy chữ. Đơn cử như vào mùa dịch bệnh. Để phòng chống bệnh tay chân miệng cho HS, nhất là ở trường mầm non và trường học 2 buổi/ngày, nhà trường phải vệ sinh phòng học, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi… hằng ngày. Nhưng nếu cứ đúng thủ tục tài chính từ lúc làm đề nghị, xác nhận đến lúc nhận được kinh phí thì có lẽ dịch đã "chạy" khắp nơi rồi. Vì thế, phải vận động phụ huynh và các lực lượng xã hội nhưng đây lại là bài toán khó với nhiều người. Chị Đỗ Thị Mai Khanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sữa (quận Long Biên), người đã có gần 30 năm giữ cương vị quản lý tâm sự, làm hiệu trưởng mà không thực sự công tâm, minh bạch, không đặt lợi ích của tập thể lên trên hết và chỉ một chút sao nhãng, oải việc hoặc chủ quan thì công sức, uy tín của hiệu trưởng gây dựng suốt hàng chục năm rất dễ tan thành mây khói.

Trọng trách lớn nhưng hiệu trưởng trường hạng 1 (28 lớp khoảng 1.200 HS trở lên) chỉ được hưởng hệ số trách nhiệm bằng 0,5 mức lương cơ bản (tức là hơn 400 nghìn đồng); với trường hạng hai là 0,35… Nhưng, như chia sẻ của không ít hiệu trưởng, sự tin tưởng, niềm tin yêu, kính trọng của đồng nghiệp, phụ huynh và học trò có lẽ là niềm động viên, khích lệ lớn nhất đối với họ.

Đầu tư cho "nghề" hiệu trưởng

Thấy rõ những nỗi vất vả của đội ngũ cán bộ quản lý, nhiều năm qua, ngành GD- ĐT Hà Nội đã có nhiều giải pháp để giúp họ "học" làm hiệu trưởng. Đội ngũ cán bộ quản lý các trường được tạo điều kiện và quan tâm đầu tư thiết thực để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2012 là 16,5 tỷ đồng, tăng 4 tỷ đồng so với hai năm trước. Thống kê sơ bộ, trong năm 2011, có khoảng 26.500 lượt cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức cho nhiều cán bộ quản lý sang trao đổi kinh nghiệm về quản lý giáo dục và phương pháp giảng dạy tại Singapore, Australia…

Vài năm gần đây, chính sách cho cán bộ quản lý giáo dục gắn bó tại những vùng sâu, vùng xa trung tâm, vùng đặc biệt khó khăn của TP được quan tâm thiết thực hơn. Những người tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn đúng chuyên ngành đào tạo được UBND TP Hà Nội hỗ trợ 1,5 tháng lương cơ bản trong 20 tháng; bảo vệ luận văn thạc sĩ được hỗ trợ 30 tháng lương cơ bản; bảo vệ luận văn tiến sĩ được hỗ trợ 80 tháng lương cơ bản… Chất lượng và trình độ đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng cao cả về chuyên môn, năng lực quản lý, nghiệp vụ sư phạm và phẩm chất đạo đức. Hà Nội cũng đã triển khai đại trà việc đánh giá hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên theo chuẩn. Song song với việc nghiêm túc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý theo quy định, công tác luân chuyển được triển khai thường xuyên và hợp lý, tạo bước chuyển mạnh cho các đơn vị vùng khó khăn. Nhờ thế, khoảng cách giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành có chiều hướng thu hẹp lại.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, nhiều năm qua, Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Từ nay đến năm 2015, Hà Nội dành hơn 800 tỷ đồng để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Nội dung được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này là bồi dưỡng cho cán bộ quản lý về quản lý nhân sự, quản lý tài chính và quản lý cơ sở vật chất đồng thời làm tốt ba khâu: tiếp nhận và luân chuyển; đánh giá và đào tạo bồi dưỡng; sử dụng và đãi ngộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vui buồn “nghề” hiệu trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.