Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vua men gốm” Trần Độ: Ấp ủ một giấc mơ lãng mạn

Thu Hằng| 08/04/2019 08:09

(HNMO) - Có những điều mà nhiều khi trí tưởng tượng bay bổng nhất của cá nhân đó cũng không thể hình dung nổi. Cậu bé 10 tuổi theo cha đến lò gốm ngày nào, với đôi mắt mở to để khám phá, giờ đây đã trở thành người nổi tiếng của làng cổ Bát Tràng, được bà con yêu quý gọi là “Vua men gốm”.


Thổi hồn gốm cổ…

Sinh năm 1957, tuổi Đinh Dậu, nghệ nhân Trần Văn Độ (thường gọi là Trần Độ) là thế hệ thứ 18 của dòng họ Trần ở Bát Tràng theo nghiệp gốm.

Nghệ nhân Trần Văn Độ là một "phù thủy" của đất, nước và lửa, một tài hoa giữ hồn gốm cổ


“Từ khi lên 10 tuổi, tôi được cha dẫn vào xưởng sản xuất, cho tập làm những công đoạn như vò đất, bắt vanh… sau đó lại được bác ruột là nghệ nhân giỏi của làng truyền dạy kinh nghiệm pha chế nguyên liệu gốm sứ truyền thống. Thời điểm ấy, bàn tay non nớt của một đứa trẻ phải giã từ những trò chơi cùng chúng bạn đồng trang lứa để làm quen với nghề của cha ông, tôi không có tham vọng trở thành một nghệ nhân gốm như bây giờ” - nghệ nhân Trần Độ chia sẻ. Thế nhưng, sự kỳ diệu không báo trước và mối lương duyên tiền định đã chọn ông là người đại diện khơi nguồn cho hồn gốm cổ.

Trưởng thành từ anh công nhân của Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng, năm 1989, thấy mình thật sự đủ độ chín để sống với nghiệp gốm, Trần Độ quyết định mở lò sản xuất của riêng mình.

Ngay từ đầu, ông đã chọn cho mình một lối đi khác biệt: Tìm tòi phục chế những hình khối, men màu cổ biểu tượng của văn hóa dân tộc.

Thời điểm đó, Bát Tràng đang phát triển mạnh mẽ dòng gốm xuất khẩu, người người chạy theo lợi nhuận thì việc phục dựng gốm cổ như Trần Độ được ví như chuyện “bơi ngược dòng”. Ông nhớ lại: “Ban đầu khi tôi thử làm những sản phẩm chưa được tròn trịa, nhiều bạn bè đồng nghiệp chê cười, thậm chí còn nói: “Làm cái này thì bán cho ai?”. Lúc đấy, tôi cảm thấy chạnh lòng lắm, nhưng chính điều đó lại kích thích tôi quyết tâm hơn”.

Niềm tin mãnh liệt vào chính mình và đủ bản lĩnh, kiên nhẫn để đi theo con đường đã chọn, cuối cùng thì Trời không phụ lòng người. Trải qua bao năm tháng, đổ không biết bao mồ hôi, công sức, cuối cùng Trần Độ đã lĩnh hội được những tinh túy của cha ông.

Trần Độ đã tạo ra rất nhiều dòng men quý hiếm, trong đó có hơn 70 loại men cổ, với các bài men khác nhau. Riêng dòng men ngọc, ông đã sở hữu tới 12 công thức pha chế, trong đó dòng men nâu trầm từ trước đến nay chưa hề xuất hiện ở Bát Tràng. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen...

Gạch cổ (15x30) men hoàng lưu li do nghệ nhân Trần Độ chế tác


Không chỉ men, với tài năng thiên bẩm và sự tinh tế, khả năng “thổi hồn” gốm cổ của nghệ nhân Trần Độ còn được thể hiện ở việc ông phục dựng thành công nhiều đồ vật quý.

“Tôi có người thân làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nên thường đến đó để xem xét những sản phẩm cổ thời Lý-Trần-Lê. Sau này, những đồ gốm làm ra tôi thường mang tới hỏi ý kiến những người làm chuyên môn như màu men, họa tiết, hoa văn… để điều chỉnh và rút kinh nghiệm” - nghệ nhân Trần Độ cho biết.

Để có được những sản phẩm gốm cổ tinh xảo, được các nhà nghiên cứu, văn hóa đánh giá cao, chắc chắn không chỉ có niềm đam mê, sự xả thân làm việc với mồ hôi và nước mắt mà còn cả sự thao thức và lao lực trong sáng tạo. Năm 2004, niềm vui lớn đến với Trần Độ khi những sản phẩm phục cổ, giả cổ, trong đó có một chiếc bình rượu cổ triều Mạc của ông được nhà nước chọn làm quà lưu niệm cho các đại biểu dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM 5) tại Hà Nội.

Bình rượu giả cổ triều Lê-Mạc được nghệ nhân Trần Độ chế tác theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia


Sau thành công này, năm 2005, ông được Nhà nước đặt một lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Nghệ thuật. Những sản phẩm này, khi đó được Thủ tướng Phan Văn Khải mang sang Mỹ và Canada làm quà tặng cho chính khách của các nước sở tại.

Để danh tiếng Bát Tràng vang xa

Trong những dòng gốm dân tộc vang bóng một thời như Phù Lãng, Chu Đậu… thì gốm Bát Tràng luôn có vị trí riêng. Nhiều sản phẩm của Bát Tràng được dùng làm quà lưu niệm tặng các nguyên thủ quốc gia tại các hội nghị cấp cao; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các phái đoàn ngoại giao tin tưởng đặt hàng làm những sản phẩm dành tặng các chính khách trong những chuyến công du… Để có được niềm vinh dự tự hào này, người Bát Tràng luôn nhắc đến người nghệ nhân đặc biệt.

“Nghệ nhân Trần Độ là báu vật, là niềm tự hào của làng nghề chúng tôi. Ông là người có nhiều tâm huyết, nhiều ý tưởng trong việc xây dựng và bảo tồn các giá trị tinh hoa của làng gốm Bát Tràng. Gốm Trần Độ mang đường nét đột phá, cách tân nhưng vẫn giữ hồn dân tộc đậm đà, góp phần tạo nên thương hiệu đặc trưng của gốm sứ Bát Tràng. Nhiều sản phẩm của ông được đặt hàng để làm quà tặng cho các nguyên thủ, chính khách trên thế giới. Bản thân ông là người khiêm tốn, nhã nhặn, luôn vì cái chung của làng” - ông Hà Văn Lâm, Phó Ban đại diện làng Bát Tràng vui vẻ giới thiệu.

Mỗi tác phẩm của nghệ nhân Trần Độ là một sự kỳ công, là lời thông điệp được gửi gắm qua cái hồn của đất, của lửa, của nước, qua bàn tay, khối óc tài hoa của nghệ nhân


Quả thật, Trần Độ không chỉ là một nghệ nhân tài năng mà còn là người có tấm lòng với quê hương đất nước. Ông được tôn vinh rất nhiều danh hiệu trong đó đặc biệt phải kể đến danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016. Bảng thành tích chỉ rõ: “Nghệ nhân Trần Độ đã nhiều đóng góp trong việc tôn tạo và tu bổ di tích ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là: Hiến tặng tượng thần Kim Quy nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; cụ rùa vàng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhiều sản phẩm được hiến tặng ở những di tích cấp quốc gia như: Đền Voi phục, Quán Thánh, Đền Hùng, Đền Trần, Yên Tử, Đền Đô... Ông cũng là người có công lớn trong truyền nghề và dạy nghề cho thế hệ trẻ, ông đã trực tiếp truyền dạy cho 200 người, nhiều học trò của ông đã trở thành thợ giỏi, nghệ nhân dân gian nghệ nhân Hà Nội”.

Có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề gốm sứ Bát Tràng là vậy nhưng nghệ nhân Trần Độ không muốn ai đó ngợi ca riêng về cá nhân ông, mà chỉ muốn hình ảnh, tên tuổi của mình hòa chung vào sự phát triển của làng gốm, đưa thương hiệu làng gốm Bát Tràng ngày một phát triển, vang xa.

Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú là động lực cho sáng tạo

Trong câu chuyện bất tận về nghệ thuật gốm, sự sôi nổi, hào sảng và niềm đam mê cháy bỏng nơi ông luôn khơi mở và lan truyền cảm hứng đến mọi người. Ông nói: “Nghề gốm là học bằng tay, bằng mắt và cả cái tâm. Tôi cho rằng thành hay bại là do cái tâm của người làm gốm. Bất cứ người nghệ nhân nào cũng luôn luôn có ý thức cống hiến. Bởi vậy, tôi làm mọi chuyện đều xuất phát từ cái tâm của mình. Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú mà tôi nhận được là niềm vui, là động lực thôi thúc tôi tiếp tục sáng tạo, cống hiến”.

Trong cuộc sống, có người xem danh hiệu là cái đích để nhắm đến và khi đạt được rồi thì họ thỏa mãn, ngủ quên trên vinh quang. Với Trần Độ thì không. Tình yêu với Hà Nội nơi sâu thẳm cứ tự nhiên tuôn trào qua những sản phẩm gốm mới, qua những hoạt động xã hội, tu bổ sửa sang những di tích… mà ông hăng hái tham gia.

Ông chia sẻ mỗi khi góp công tu sửa được một ngôi chùa, ngôi đình, hiến tặng những sản phẩm gốm, ông cảm thấy trong mình thanh thản bởi đã được đóng góp sức mình vào việc kế thừa, phát huy truyền thống cha ông trong việc gìn giữ “những biểu tượng tâm linh” của làng xã bị tàn phá trong thời kỳ chiến tranh và sự xâm hại của các yếu tố tự nhiên, con người.

Nghệ nhân Trần Độ bên ngôi nhà thân yêu của mình tại làng Bát Tràng


Hơn nửa thế kỷ làm nghề, điều mà nghệ nhân Trần Độ tự hào nhất là gốm Bát Tràng đã xuất hiện và lưu dấu ấn trên nhiều địa danh lịch sử của đất nước như Trường Sa, Tòa nhà Quốc hội, những di tích lịch sử…. ; được đại diện cho Việt Nam làm quà tặng cho nhiều chính khách khắp thế giới.


Lò gốm của ông luôn có nhiều đơn hàng thực hiện các sản phẩm gốm phục vụ công tác đối ngoại. Mới đây nhất, tác phẩm gốm Tượng rồng triều Nguyễn (được làm bằng đất sét lấy từ Chí Linh - Hải Dương và cao lanh lấy ở Đông Triều – Quảng Ninh; men được dùng từ 5 loại đá: Đá quắc, đá kè, đá trường thạch, đất và bột Mangan, qua chế tác thủ công, đốt trong môi trường sạch 1.250 độ C) do ông chế tác được Chính phủ chọn làm quà tặng cho hai vị chính khách tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai tại Hà Nội.

Hiện nay, nghệ nhân Trần Độ đang có dự án thực hiện các sản phẩm gốm phục vụ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 sắp tới. Và hơn thế trong ông còn một giấc mơ lãng mạn nữa nhưng ông bảo chưa muốn nói ra vì tất cả còn đang ấp ủ…

Chừng nào đôi chân chưa mỏi, chừng đó người nghệ nhân tài hoa này còn tận hiến cho công việc và mảnh đất mà ông gắn bó, mê say. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vua men gốm” Trần Độ: Ấp ủ một giấc mơ lãng mạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.