Hiện nay, thị trường thuốc Việt Nam có quy mô khoảng 5 tỷ USD, với khoảng 22.000 loại thuốc, trong đó có 755 thuốc phát minh.
Sáng 23-6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… về vấn đề chính sách mua sắm, thanh toán Bảo hiểm y tế đối với thuốc biệt dược gốc, nhằm “mục tiêu kép” đảm bảo chất lượng nguồn thuốc tốt, phục vụ công tác khám, chữa bệnh, đồng thời tiết kiệm Quỹ Bảo hiểm y tế và chi phí của người dân.
Tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, hiện nay khái niệm biệt dược gốc còn “mù mờ” được sử dụng chưa chính xác, bởi bản chất đây là thuốc phát minh.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, khoản 15, 16, Luật Dược năm 2016 quy định: “Biệt dược gốc là thuốc đầu tiên được cấp phép lưu hành trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu về chất lượng, an toàn, hiệu quả” - tạm gọi là “thuốc phát minh”; “Thuốc generic là thuốc có cùng dược chất, hàm lượng, dạng bào chế với biệt dược gốc và thường được sử dụng thay thế biệt dược gốc hết bản quyền” - tạm gọi “thuốc tương đương thuốc phát minh”.
Hiện nay, thị trường thuốc Việt Nam có quy mô khoảng 5 tỷ USD, với khoảng 22.000 loại thuốc, trong đó có 755 thuốc phát minh. Trong số 755 thuốc phát minh đã được công bố, có 148 thuốc có từ 2 số giấy đăng ký lưu hành thuốc tương đương thuốc phát minh - generic nhóm 1 (thuốc hết thời hạn bản quyền 20 năm, thuốc tương đương do các nước tiên tiến sản xuất, được lưu hành tại Việt Nam).
Việc thống kê cho thấy, gần 150 thuốc phát minh có giá đắt hơn từ 4 đến 18 lần và trung bình đắt hơn khoảng 7-8 lần so với thuốc tương đương thuốc phát minh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết, trong số 37.000 tỷ đồng thanh toán thuốc tân dược của năm 2018-2019, thuốc phát minh chiếm khoảng 26,5%, tương đương 11.500 tỷ đồng. Đây là con số khá cao so với các nước trên thế giới.
Theo đó, tỷ lệ sử dụng thuốc phát minh ở tuyến trung ương chiếm khá cao, điển hình là thành phố Hồ Chí Minh chiếm 47%, Hà Nội khoảng 42%, một số tỉnh khác như Khánh Hòa chiếm khoảng 30%; tập trung chi vào các bệnh như ung thư, tim mạch, tiêu hóa… Nếu thay thế thuốc phát minh bằng thuốc tương đương thuốc phát minh thì Hà Nội có thể tiết kiệm được 279 tỷ đồng, thành phố Hồ Chí Minh tiết kiệm 523 tỷ đồng.
Thông qua việc thực hiện đấu thầu tập trung, hiện giá thuốc đã giảm từ 30-40%, ông Lê Văn Phúc cho biết. Việt Nam trở thành nước có giá thuốc thấp trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, việc giảm giá chủ yếu tập trung vào các thuốc tương đương; còn thuốc phát minh vẫn “một mình một sân” tham gia đấu thầu nên việc giảm giá không đáng kể.
“Thời gian qua, việc cung ứng thuốc của các đơn vị rất tốt. Tuy nhiên, các cơ sở y tế khi làm dự trù thuốc không sát, tỷ lệ mua sắm từ kết quả đấu thầu không cao như kỳ vọng. Theo quy định, phải mua tối thiểu 80% số dự trù nhưng hiện các cơ sở chỉ mua khoảng 55%”, ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh.
Liên quan đến việc xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 09/2016/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu của Bộ Y tế, theo ông Lê Văn Phúc, lộ trình là sẽ đưa thuốc phát minh vào đấu thầu chung với thuốc tương đương thuốc phát minh.
“Đây là lộ trình phù hợp vì thuốc đã hết bản quyền, đã lưu hành trên 20 năm và có trên 2 số giấy đăng ký lưu hành thuốc. Rõ ràng, nếu thực hiện đấu thầu, việc giảm giá thuốc sẽ được thực hiện tốt hơn”, ông Lê Văn Phúc nêu rõ.
Các chuyên gia y tế cho rằng, quá trình thực hiện mua sắm, thanh toán thuốc là quá trình “cọ xát” giữa Bảo hiểm y tế, bệnh viện và các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc.
Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã tiến hành lộ trình đấu thầu thuốc tập trung, giá thuốc của Việt Nam do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đã giảm trên 35%, đạt mức thấp trong ASEAN.
Tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở Việt Nam dưới 2% so với mức trung bình 7% ở ASEAN, theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới. Tỷ lệ người Việt Nam dùng thuốc sản xuất ở trong nước từng bước tăng lên.
Trên thị trường thuốc đã có các loại thuốc tương đương thuốc phát minh, song các chuyên gia cho rằng, với giá bán thuốc phát minh cao nên phần lớn công ty sản xuất vẫn tìm cách giữ giá, duy trì sản xuất thuốc phát minh dù đã hết bản quyền.
Trong khi đó, các công ty sản xuất thuốc phát minh không đưa ra bằng chứng chứng minh thuốc có tác dụng điều trị tốt hơn các thuốc tương đương; ngược lại, không có nghiên cứu nhận định, thuốc tương đương tốt như thuốc phát minh.
Liên quan đến tâm lý “dùng thuốc đắt” của người dân và thói quen sử dụng thuốc phát minh của bác sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc Bảo hiểm y tế ở Việt Nam thanh toán thuốc phát minh điều trị ung thư chiếm khoảng 38%, trong khi đó tại các nước phát triển như Đức, Pháp… chỉ dưới 20%.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh tới việc cần phải cân nhắc khi chỉ định dùng những thuốc phát minh hết bản quyền và đã có thuốc tương đương đang lưu hành tại Việt Nam.
“Trong điều trị ung thư, bác sĩ chủ yếu sử dụng thuốc phát minh do tâm lý "thuốc phát minh tốt hơn". Tuy nhiên, việc chỉ định dùng thuốc cần dựa trên 2 yếu tố: Hiệu quả và tiết kiệm cho người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh nghèo”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, các chuyên gia y tế, bác sĩ cho rằng, về nguyên lý thì phải đảm bảo thuốc tốt nhưng cần quan tâm đến vấn đề chi phí, đặc biệt với những thuốc hết thời gian bản quyền 20 năm và có nhiều loại thuốc tương đương do các nước phát triển như Anh, Mỹ, Đức... sản xuất, lưu hành.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam hoàn thiện Đề án hợp tác giữa Việt Nam và các doanh nghiệp của châu Âu và Hoa Kỳ để tăng cường sản xuất thuốc ở trong nước, rút ngắn quá trình sản xuất thuốc phát minh tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.