Việc tính giá cơ sở cho mặt hàng xăng, dầu với chênh lệnh thuế suất nhập khẩu cao hơn 5%-10% so với mức thuế thực tế được hé lộ khiến người tiêu dùng trong nước mới giật mình rằng hàng ngày mình vẫn bị “móc túi” trong mỗi lít xăng, dầu tiêu thụ.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý tới đâu? Số tiền hàng tỷ đồng đó liệu có được thu hồi hay rộng hơn, đó liệu có phải hệ quả sau những hiệp định tự do thương mại được ký "dồn dập" thời gian qua? Không thể không đặt câu hỏi cho cung cách quản lý hiện tại của cơ quan chức năng.
Ảnh minh họa từ internet |
"Phải xem xét trách nhiệm cá nhân để xử?"
Sau sự việc này, Bộ Tài Chính đã thừa nhận về sự “chênh lệch” trên và hứa sẽ nghiên cứu điều tiết, khắc phục mức chênh lệch trong giá cơ sở.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình tại các Hiệp định thương mại quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.
Tuy nhiên bên cạnh những lời hứa "nghiên cứu các giải pháp khắc phục" thì người tiêu dùng trong nước còn thắc mắc, quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ ra sao khi “túi bị móc” tới cả nghìn tỷ đồng trong thời gian qua và ai chịu trách nhiệm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, rõ ràng, các cơ quan chức năng chưa làm “tròn vai” trong việc xác định giá cơ sở. Cụ thể, giá cơ sở bị tăng cao là một trong những yếu tố cơ bản hình thành giá bán lẻ, khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng đồng thời lại mang lại lợi nhuận “kếch xù” cho doanh nghiệp.
“Việc tính thuế sai trong thời gian dài, trách nhiệm phải thuộc về Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Theo đó, hai Bộ này phải xem xét trách nhiệm cá nhân để xử đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh và cụ thể,” ông Long thẳng thắn nói.
Đơn cử, số liệu từ thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy hai tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu xăng, dầu của cả nước khoảng 535 triệu USD, với mức thuế nhập khẩu chênh lệnh (5%-10%) như hiện nay thì con số người tiêu dùng trong nước tiếp tục phải trả là không hề nhỏ.
Hai tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu xăng, dầu của cả nước khoảng 535 triệu USD. (Ảnh: Tổng cục Hải quan) |
Ông Long chỉ ra một thực tiễn, người tiêu dùng trong nước chưa hoàn toàn được hưởng lợi ích từ diễn biến giá xăng dầu thế giới. Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao thì người tiêu dùng phải chịu, tuy nhiên khi giá thế giới xuống thấp thì họ lại chưa được hưởng mức giảm tương ứng.
Do vậy, ông Long kiến nghị Nhà nước không thể để doanh nghiệp hưởng phần chêch lệch này mà phải thu lại, cơ quan chức năng cần thu lại khoản tiền chênh lệch trên, trả lại cho người tiêu dùng.
"Quan điểm của tôi là không nên đưa khoản này vào ngân sách nhà nước mà nên đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu vì bất cập ở đây xuất phát từ nguồn bán xăng dầu, đây là một cách trả lại cho người dân,” vị chuyên gia kinh tế này nói.
Bắt nguồn từ thiếu minh bạch
Sâu xa hơn theo các chuyên gia đây không phải chỉ là một sự nhầm lẫn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) nhấn mạnh, quan trọng nhất là người tiêu dùng cần những thông tin minh bạch liên quan tới giá xăng dầu.
Theo ông Hùng, “về đạo lý, những thiệt hại trền bằng cách nào đó cũng phải trả lại cho người tiêu dùng. Biện pháp tương đối hợp lý là đưa vào giá bán lẻ xăng dầu.”
Đứng dưới góc độ là một người tiêu dùng, tiến sĩ, Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên tiếng, “từ trước đến nay giá xăng, giá điện không thể nắm bắt được. Người tiêu dùng luôn trong trạng thái bị động, nếu hạ thì tốt mà tăng cũng phải chịu."
"Điều này do cơ chế tính giá không được công bố minh bạch, thậm chí khi tính giá cơ sở thì Bộ Tài Chính là chủ trì, Bộ Công Thương thì thực hiện rồi từ chối giải thích. Đến mức đó thì làm sao người dân biết được thông tin để thực hiện quyền giám sát của mình,” ông Bình nói.
Ông Bình nhấn mạnh, người tiêu dùng Việt Nam luôn là người “chịu trận” không thể chủ động mà “thông minh” được trong khi những hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng lại chưa thể hiện được vai trò của mình từ trong tất cả các hoạt động (pháp luật, văn hóa lẫn cơ chế…).
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tính giá cơ sở với những mức thuế khác nhau không phải xuất phát từ việc Việt Nam ký kết những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương khá dồn dập thời gian qua mà điều quan trọng ở cơ chế quản lý.
Vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Phong, đã đặt ra bài toàn mới về điều phối các cam kết hội nhập bởi rõ ràng, với trường hợp chênh thuế xăng, dầu như hiện nay thì lợi nhuận đã rơi vào túi doanh nghiệp./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.