Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ tranh cãi giữa võ sư Lê Minh Khương và Vietnam Airlines: Được và mất

Nguyễn Đức| 23/05/2011 07:03

(HNM) - Vụ tranh cãi giữa võ sư Lê Minh Khương với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) xem ra chưa đến hồi kết, bởi theo các phương tiện thông tin đại chúng, võ sư Lê Minh Khương sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc.

Chuyện đúng, sai sẽ do các cơ quan chức năng xem xét, kết luận trên cơ sở chứng lý rõ ràng và chúng tôi cũng không có ý định bàn nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khách quan, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho cả hãng hàng không và hành khách để tránh những cái mất không đáng có.

Ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, danh dự

Có thể khẳng định ngay, sự việc dẫn tới chuyện tranh cãi giữa võ sư Lê Minh Khương và Vietnam Airlines không có gì to tát, hoàn toàn có thể giải quyết êm thấm. Đáng tiếc, cả hai bên đã không giữ được sự tỉnh táo cần thiết (có thể sau này là dưới sức ép truyền thông) để sự việc đi quá tầm kiểm soát. Dù có phân định được đúng, sai thì cái được của cả hai cũng chẳng bằng cái mất. Vietnam Airlines đang nỗ lực xây dựng, khẳng định uy tín, thương hiệu của hãng hàng không quốc gia. Kết quả thăm dò bạn đọc do một tờ báo mạng đưa ra cho thấy, phần lớn độc giả nói Vietnam Airlines sai trong vụ việc này. Kết quả đó không có ý nghĩa về pháp lý, nhưng phần nào cho thấy, tình cảm của độc giả với Vietnam Airlines. Rõ ràng, chỉ qua vụ việc nhỏ này, uy tín, thương hiệu đã bị ảnh hưởng đáng kể mà dưới góc nhìn của các chuyên gia PR, đây là "tai nạn" trong truyền thông, đối ngoại. Sự việc có thể không phức tạp, kéo dài nếu Vietnam Airlines không đưa ra thông tin sẽ cấm bay võ sư Lê Minh Khương khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Thông tin nói trên chắc hẳn sẽ động chạm đến sự tự ái của hành khách, nhất là khi cho rằng đã bị đối xử quá mức. Điều đó phần nào thể hiện sự kẻ cả và non kém trong ứng xử với hành khách cũng như công chúng của Vietnam Airlines. Sẽ chẳng có gì để nói, nếu Vietnam Airlines là một doanh nghiệp (DN) tư nhân, nhưng đây là DN nhà nước, mang thương hiệu quốc gia. Cái mất xem ra không chỉ dừng lại ở một DN vận tải. Về phía hành khách, khi danh dự bị tổn thương, chẳng ai cam chịu chấp nhận, nhất là với một HLV đội tuyển quốc gia và được sự hậu thuẫn của không ít "sao" trong lĩnh vực giải trí, có ảnh hưởng công chúng lớn.

Nhưng được cũng nhiều

Trên thực tế, có rất nhiều người đi máy bay mà chưa nắm rõ các quy định bắt buộc để bảo đảm an toàn. Đó là nguyên tắc khi đã lên máy bay, đặc biệt khi máy bay đang trong giai đoạn cất cánh, hạ cánh, phải tuân thủ hoàn toàn yêu cầu của tiếp viên, phi hành đoàn. Những nguyên tắc này không phải do Việt Nam nghĩ ra mà hoàn toàn tuân thủ theo các quy định quốc tế. Nếu hành khách không tuân thủ, Cơ trưởng có quyền cho máy bay về sân đỗ và yêu cầu thực hiện các biện pháp an ninh cần thiết. Cũng không có gì lạ bởi việc tuyên truyền về lĩnh vực này còn hạn chế. Ngay cả Luật Giao thông đường bộ được tuyên truyền nhiều và không ít người được học, cấp bằng vẫn vi phạm. Nhờ có sự vào cuộc "tích cực" của các cơ quan thông tin đại chúng, sau vụ việc này, chắc hẳn nhiều hành khách sẽ nắm rõ và thực hiện tốt hơn.

Trở lại vụ việc giữa võ sư Lê Minh Khương và Vietnam Airlines, có lẽ phân định đúng, sai không đơn giản. Qua theo dõi diễn biến vụ việc, có thể thấy, để giải quyết tận gốc, mấu chốt của vấn đề là xác định rõ tiếp viên có thái độ quá mức trước hay võ sư Lê Minh Khương? Tuy nhiên, có xác định được chuyện này cũng chỉ để giúp các bên thoải mái về chuyện danh dự. Nhưng cái được là sau vụ việc này, Vietnam Airlines nói riêng, các hãng hàng không nói chung sẽ tập trung, nâng cao chất lượng phục vụ, ứng xử của tiếp viên. Chuyện rất nhiều độc giả bỏ phiếu thăm dò ý kiến của một tờ báo mạng như đã nói cũng phần nào thể hiện sự không hài lòng với thái độ của tiếp viên. Con số đó có giá trị tham khảo rất lớn đối với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Hàng không Việt Nam đã có sự cạnh tranh, nhưng vai trò, ảnh hưởng của Vietnam Airlines vẫn rất lớn và không thể lạm dụng điều đó để làm xấu hình ảnh của mình trước hành khách. Trước đây cũng đã từng xảy ra một số vụ tương tự, nhưng "may" cho võ sư Lê Minh Khương là có sự ủng hộ của một số "sao" trong lĩnh vực giải trí, có ảnh hưởng tới công chúng nên phần nào tạo được "đối trọng" nhất định.

Các cụ xưa đã dạy "vô phúc đáo tụng đình". Chắc hẳn cả võ sư Lê Minh Khương, Vietnam Airlines chẳng muốn vụ việc tiếp tục kéo dài. Nếu các bên cùng có thái độ thiện chí, hợp tác, cái được chắn hẳn sẽ nhiều hơn mà không tiếp tục tốn thêm thời gian, chi phí.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vụ tranh cãi giữa võ sư Lê Minh Khương và Vietnam Airlines: Được và mất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.