(HNM) - Ngay sau khi hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất tại Mỹ của Công ty Colonial Pipeline bị tin tặc tấn công, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Washington và 17 bang khác. Động thái này thể hiện tinh thần quyết liệt, khẩn trương của người đứng đầu Nhà Trắng trong nỗ lực ứng phó với các hiểm họa mới.
Bộ Giao thông - Vận tải Mỹ cho biết, tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết về vận chuyển xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm tinh chế khác ở những khu vực bị ảnh hưởng. Thay vì sử dụng hệ thống ống dẫn, nhiên liệu trước mắt sẽ được vận chuyển bằng đường bộ đến thủ đô Washington và một số bang khác của Mỹ, như: Florida, New York, Texas...
Trước đó, Colonial Pipeline đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công mạng, dẫn tới phải đóng toàn bộ mạng lưới đường ống dẫn nhiên liệu để xử lý hậu quả. Hệ thống ống dài 8.850km đảm nhận vận chuyển xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm tinh chế khác từ vịnh Mexico tới bờ Đông của Mỹ, phục vụ hơn 50 triệu khách hàng và đáp ứng nhu cầu hầu hết các sân bay lớn của xứ Cờ hoa. Nỗ lực phối hợp với các lực lượng chức năng để giải quyết sự cố, Colonial Pipeline cho biết đã mở một số đường ống nhỏ để vận chuyển nhiên liệu, song hệ thống chính chưa thể nối lại hoạt động.
Các chuyên gia năng lượng dự báo, khó khăn trong cung ứng có thể khiến giá xăng dầu tăng đột biến, nhất là trong bối cảnh hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu bị gián đoạn quá lâu. Kịch bản này sẽ là cú sốc lớn đối với người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau sự cố vào sáng 10-5 (giờ Mỹ), giá dầu West Taxes Intermediate đã tăng 1,17%, lên mức 65,66 USD/thùng; giá dầu Brent tăng 1,11%, lên 69,04 USD/thùng; giá xăng kỳ hạn tại sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 2,07%, lên 2,171 USD/gallon.
Để tránh tình huống xấu, Chính phủ Mỹ đã nới lỏng các quy định vận chuyển xăng dầu trên đường cao tốc, đồng thời thành lập nhóm ứng phó khẩn cấp để giải quyết các vấn đề tiềm ẩn trong cung cấp năng lượng và sẵn sàng phương án dự phòng cho trường hợp nguồn cung nhiên liệu bị ảnh hưởng. Tổng thống Joe Biden cũng đã giao nhiệm vụ cho các quan chức ưu tiên xử lý các vấn đề mạng, nhanh chóng bịt lại những kẽ hở trong hệ thống phòng thủ mạng của quốc gia.
Cùng với đó, công tác điều tra về vụ tấn công được gấp rút triển khai. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) hiện đã xác định DarkSide - nhóm tin tặc mới nổi nhưng bao gồm các thành viên nhiều kinh nghiệm, đứng sau vụ tấn công. Nhóm này đã thực hiện các vụ tấn công bằng mã độc gây thiệt hại hàng chục tỷ USD trong 3 năm qua. Theo đó, tin tặc sẽ mã hóa dữ liệu, làm tê liệt hệ thống máy tính để đòi tiền chuộc, thường là tiền kỹ thuật số. Nếu không, tin tặc sẽ công bố những dữ liệu mật của nạn nhân nhằm mục đích gây sức ép. Theo Hãng tin Bloomberg, nhóm tin tặc đã đánh cắp lượng dữ liệu lên đến 100 gigabyte của Colonial Pipeline chỉ trong 2 giờ.
Nhiều ý kiến phân tích chỉ rõ, cuộc tấn công này cho thấy lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống quan trọng của nước Mỹ "đang có vấn đề". Theo Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Elizabeth Sherwood-Randall, những công ty như Colonial Pipeline chính là tuyến phòng thủ đầu tiên và nhiều hoạt động quan trọng của nước Mỹ đang phải phụ thuộc vào hiệu quả “phòng ngự” của họ. Giải quyết thực trạng này sẽ là một thách thức với Washington, trong bối cảnh Nhà Trắng đang hoàn thiện các cơ sở pháp lý nhằm phản ứng tốt hơn với các cuộc tấn công mạng.
Với tinh thần ứng phó khẩn trương, thể hiện qua những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tổng thống J.Biden, dư luận quốc tế hy vọng xứ Cờ hoa sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.