(HNMO) - Mấy ngày gần đây, dư luận lại được 1 phen ồn ào quanh chuyện sữa dê Danlait có nguồn gốc từ Pháp được cho là hàng giả nhập khẩu vào VN...
Câu chuyện bắt đầu từ cái tên của sản phẩm. Tại bản Chứng nhận tiêu chuẩn của sản phẩm số 342/2012/YT-CNTC của Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) cấp ngày 17-1-2012 do Phó Cục trưởng Lê Văn Giang ký ghi rõ: Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chứng nhận tiêu chuẩn số 03-01/2012/TCCS cho sản phẩm “Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi”. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu sữa là Công ty TNHH Mạnh Cầm (có địa chỉ tại số 13, ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khi đưa sản phẩm này ra thị trường cũng ghi rõ như vậy thì không gì đáng nói. Đằng này, theo như chính ông Đặng Minh Sang – PGĐ Công ty thừa nhận với PV Báo Hànộimới Online chiều ngày 4-4-2013: “Chúng tôi có thiếu sót là đã không ghi dòng chữ “thực phẩm bổ sung” và ghi chú theo yêu cầu của Việt Nam: "hỏi ý kiến bác sỹ..." trên hộp sữa” và chỉ coi đây là một sơ xuất đáng tiếc cho doanh nghiệp. Chính vì “sự sơ xuất đáng tiếc này” này mà ngày 21-2-2013 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 12 Hà Nội đã kiểm tra “tổng kho” sữa dê Danlait trên đường Nguyễn Viết Xuân (Thanh Xuân, Hà Nội) và đã niêm phong, tạm giữ 5.600 hộp sữa Danlait với sai phạm chính là nhập nhằng tên gọi của sản phẩm. Mặc dù cũng theo ông Sang “trong số 5.600 hộp sữa do quản lý thị trường tạm giữ, chỉ có khoảng 50% hộp sữa có dán tem phụ bị thiếu như trên”. Ông cũng cho biết thêm, Công ty Mạnh Cầm đã cho dán nhãn tem phụ bổ sung các thiếu sót trên cũng từ ngày 21-2-2013 (xem ảnh).
Về chất lượng của sản phẩm sữa dê Danlait, liệu có được nhập khẩu đúng từ Pháp không như dư luận đang nghi ngờ? Ngày 25-2-2013, thông qua Đại sứ quán Pháp, Tổng cục Thực phẩm cùng các ban ngành liên quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Nông lương và Lâm sản của Pháp đã gửi công văn chính thức, khẳng định rõ ràng về nguồn gốc và xuất xứ của sữa dê dành cho trẻ em Danlait.
Công văn của Tổng cục Thực phẩm, Bộ Nông nghiệp – Nông lương và Lâm sản Pháp trả lời Cục ATTP VN |
Theo đó, sữa bột trẻ em Danlait được làm từ sữa dê do nhà máy của Liên hợp sữa vùng Venise Verte thu hoạch và chế biến tại tỉnh Vendée của Pháp. Cơ sở này đã được các phòng ban của Vụ điều phối các vấn đề an toàn vệ sinh, thuộc Bộ Nông nghiệp – Nông lương – Nông sản Pháp kiểm tra và có giấy phép của Liên minh châu Âu, hiện vẫn còn hiệu lực và hoàn toàn đáp ứng các quy định của luật pháp hiện hành cũng như đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt quá trình chế biến. Với giấy phép của liên minh châu Âu, cơ sở này được phép kinh doanh sản phẩm tại Pháp cũng như tại toàn bộ các thị trường của liên minh châu Âu.
Về tập đoàn FIT tại thành phố Rennes cũng được tập đoàn này đã đăng ký kinh doanh tại Pháp, với tư cách là doanh nghiệp bán buôn, liên doanh doanh nghiệp, để kinh doanh các sản phẩm chế biến từ sữa, trứng, dầu và các thực phẩm có chất béo. Vì vậy đây là hoạt động kinh doanh trực tiếp từ nhà sản xuất đến nhà bán buôn, không có sự can thiệp làm thay đổi thành phần của sản phẩm trong quá trình kinh doanh. Vì vậy, các sản phẩm Sữa dê Danlait do nhà máy của Liên hợp sữa vùng Venise Verte có số đăng ký FR 85 - 133 - 01 CE chế biến (tại thị trấn Maillezais – 85420 thuộc tỉnh Vendée) sau đó được được tập đoàn FIT xuất đi trực tiếp đến nhiều nước trong đó có Việt Nam với tên gọi là Sữa dê Danlait.
Sản phẩm Sữa dê Danlait được sản xuất tại nhà máy, áp dụng các quy chuẩn của châu Âu đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em, mà cụ thể là chỉ thị 2006/141/EC của Ủy ban châu Âu ban hành ngày 22/12/2006. Đáp ứng được quy chuẩn khắt khe này, tất cả các sản phẩm sữa, các sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ em đều được phép bán trên thị trường tất cả các nước thuộc thành viên châu Âu.
Sữa dê Danlait với vỏ hộp, mẫu mã, thiết kế bao bì thuộc Công ty FIT, còn nhãn hiệu Danlait thuộc sở hữu của Công ty Mạnh Cầm, được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và tại Pháp. Trên nhãn gốc hộp sữa đều có con dấu hình ôvan gồm các ký tự như: FR - tức là Pháp; CE là cộng đồng kinh tế châu Âu và mã chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm của Pháp và châu Âu. Những sản phẩm có con dấu này là những sản phẩm được Bộ Y tế Pháp cho phép bán tại châu Âu và Pháp, tất cả đều có chất lượng tốt như nhau nhất là hàm lượng protein dinh dưỡng. Như vậy có thể khẳng định nguồn gốc cũng như chất lượng của sản phẩm sữa dê Danlait đã được nhập khẩu đúng từ Pháp.
Vấn đề ở đây là, chuyện nhập nhằng về tên gọi sản phẩm sữa dê Danlait do doanh nghiệp trên thực hiện, cho dù là “vô tình hay hữu ý” để tránh được mức thuế cao hơn, hay để tránh khỏi phải kê khai giá như công luận đã từng nêu, đều ảnh hưởng trực tiếp đến chính thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Chỉ có thể làm ăn chân chính, thực hiện đúng pháp luật, doanh nghiệp mới kinh doanh được lâu bền và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.