(HNMO) - “Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt các địa phương, làm rõ tình hình, công bố để nhân dân biết rõ việc vi phạm này xảy ra ở khu vực nào, tại trại chăn nuôi nào để nhân dân biết và tránh…
(HNMO) - “Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt các địa phương, làm rõ tình hình, công bố để nhân dân biết rõ việc vi phạm này xảy ra ở khu vực nào, tại trại chăn nuôi nào để nhân dân biết và tránh…” - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ diễn ra sáng 22/3.
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là hành vi cần lên án
Trả lời câu hỏi của một độc giả vì sao ngành Nông nghiệp không kiểm soát được chất lượng thực phẩm ra thị trường thời gian qua và Bộ sẽ làm gì để người dân yên tâm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, vấn đề kiểm soát chất lượng các loại nông sản, thực phẩm là vấn đề lớn, đang được cả xã hội quan tâm. Ý thức được vấn đề này, Bộ đã nỗ lực từ nhiều năm nay để thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao, đặc biệt là thực hiện Luật An toàn vệ sinh thực phẩm mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ năm 2011.
“Chúng tôi đang cố gắng xây dựng và ban hành nhiều văn bản luật pháp làm cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện. Mặt khác, chúng tôi tăng cường quản lý nhập khẩu nông sản từ nước ngoài vào Việt Nam”-Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, “chúng tôi đang nỗ lực xây dựng bộ máy có hiệu lực, hiệu quả hơn để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trên phạm vi rất rộng. Trong khả năng của mình, chúng tôi đang cùng với địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, công việc vẫn còn rất nhiều và cần phải nỗ lực cao hơn nữa để đáp ứng mong đợi của nhân dân."-Người đứng đầu Bộ NN&PTNT nói tiếp.
|
Ảnh minh họa |
Liên quan đến vấn đề đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và dư luận là việc sử dụng chất tạo nạc ở lợn mới bị phát hiện tại một số cơ sở chăn nuôi khiến toàn ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng do người tiêu dùng quay lưng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt các địa phương có nhiều người sử dụng chất cấm như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu làm rõ tình hình, công bố để nhân dân biết rõ việc vi phạm này xảy ra ở khu vực nào, tại trại chăn nuôi nào để nhân dân biết và tránh; tạo điều kiện cho những khu vực, những người chăn nuôi làm ăn đứng đắn, nghiêm túc có thể sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi.
Bộ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý một cách nghiêm khắc nhất những người cố tình vi phạm theo đúng quy định của luật pháp.
Bộ trưởng cũng cho rằng, việc một số người lén lút sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để kiếm lợi nhưng làm hại đến sức khỏe của rất nhiều người khác là một hành vi phải lên án. “Chúng tôi kêu gọi bà con chăn nuôi không sử dụng chất cấm, đồng thời đề nghị bà con giúp các cơ quan chức năng phát hiện và tẩy chay những người buôn bán, sử dụng chất cấm độc hại này.”-Bộ trưởng kêu gọi.
Sẽ quy định khắt khe hơn với người bán thuốc bảo vệ thực vật
Từ việc người chăn nuôi sử dụng chất cấm một cách bừa bãi, một độc giả gợi ý cần quy định người bán thuốc bảo vệ thực vật có học từ trung cấp đến đại học, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã rất tâm đắc với ý kiến trên. Ông đã nhường câu trả lời cho TS Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật của Bộ, người cũng đang có mặt tại buổi đối thoại. TS Nguyễn Xuân Hồng cho biết, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, trong đó quy định cụ thể về điều kiện hành nghề đối với những người buôn bán thuốc.
Tuy nhiên, hiện Bộ đang giao cho Cục chuẩn bị dự thảo sửa đổi về Thông tư quản lý thuốc bảo vệ thực vật và dự thảo này đã được lấy ý kiến rất rộng rãi. Trong thời gian tới, điều kiện đối với những người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật sẽ cao hơn và chúng tôi tin rằng sẽ đáp ứng được mong muốn mà độc giả nêu ra.
Theo hướng dự thảo sắp trình Bộ ban hành, những người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đã thông qua lớp tập huấn 3 tháng do Chi cục Bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng ra tổ chức. Những chứng chỉ đó được cấp, kiểm tra định kỳ, đảm bảo những người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có hiểu biết và phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ thực vật.