(HNMO) – Tính đến hôm nay, 14/8, các vụ nổ ở kho hóa chất Thiên Tân, Trung Quốc đã làm 55 người chết và hơn 700 người bị thương. Các quan chức Trung Quốc vẫn đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của các vụ nổ chết người này.
Các vụ nổ xuất phát từ một nhà kho cảng, nơi lưu trữ "hàng nguy hiểm", thuộc sở hữu của công ty Ruihai International Logistics.
Khi nỗ lực cứu hộ vẫn tiếp tục hơn 36 giờ sau vụ nổ và ngọn lửa bốc lên từ vụ nổ vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn, trang South China Morning Post đã thử đi tìm lời đáp cho 6 câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất.
1. Điều gì có thể đã gây ra các vụ nổ lớn?
Hiện vẫn chưa rõ chính xác những loại hóa chất độc hại nào đã được lưu trữ bên trong nhà kho nơi vụ nổ xảy ra, nhưng các chuyên gia cho biết, các hóa chất đó có thể là hóa chất dễ cháy, có nghĩa là nhiệt độ 35oC có thể đã đủ để chúng bắt đầu cháy.
Theo giáo sư kỹ thuật an toàn Kang Yong thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh hóa dầu, sự tăng nhiệt độ bên trong các container hàng hóa tại cảng cũng có thể dẫn đến cháy nổ. Ông Kang cho biết, có thể hóa chất đã rò rỉ từ một container và khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trên mặt đất đã bốc cháy.
Một nguyên nhân khác là các hóa chất có thể đã không được xử lý theo các tiêu chuẩn an toàn cần thiết đối với các hàng hóa nguy hiểm. Một báo cáo năm 2014 của cơ quan Quản lý an toàn hàng hải Thiên Tân cho biết, 5 trong số 4.325 container của Ruihai International Logistics tại cảng đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng được đặt ra trong năm 2013.
Công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành khẩn trương tại khu vực hiện trường |
2. Hoá chất nào đã thoát vào môi trường?
Tại một cuộc họp báo sáng nay, 14/8, cơ quan chức năng cho biết, các chất hóa học nguy hiểm kali nitrat, natri, natri xyanua và toluene, những hóa chất đã được chứng minh là có hại cho hệ thần kinh của con người, đã được tìm thấy tại hiện trường của vụ nổ.
Tuy nhiên, các nhà chức trách chưa thể xác định chính xác những hóa chất nguy hiểm nào đang được lưu trữ tại kho vì đây là một kho hàng quá cảnh, hàng hoá chỉ được lưu trữ tạm thời sau khi thông quan.
Các nhà chức trách cũng cho biết, khu vực văn phòng công ty ở bến tàu đã bị hư hại nghiêm trọng, khiến giới chức không thể có được danh sách chính xác và chi tiết về các hàng hoá độc hại được lưu trữ tại cảng.
Hiện lực lượng chức năng đang phối hợp chặt chẽ với hải quan trong quá trình điều tra vụ việc.
Hôm qua, phát biểu trên truyền hình, Wen Wurui, Trưởng phòng bảo vệ môi trường Thiên Tân, cho biết, các hóa chất độc hại được phát hiện trong không khí ở mức không "quá cao".
Tổ chức môi trường Greenpeace cho biết, Ruihai International Logistics cũng đã xử lý cả canxi cacbua - được sử dụng trong sản xuất phân bón và các quá trình công nghiệp khác. Hóa chất này có nguy cơ cháy nổ nếu tiếp xúc với nước.
3. Những tác hại mà các vụ nổ có thể gây ra là gì?
Khi các chuyên gia đang chạy đua với thời gian để xác định và phân tích các hóa chất hiện diện tại hiện trường của các vụ nổ, cuối ngày hôm qua, các lực lượng cứu hộ đã cố gắng loại bỏ 700 tấn natri xyanua chết người ra khỏi khu vực này.
Mặc dù các quan chức cho biết, mức độ của các hóa chất độc hại được phát hiện trong không khí không "quá cao", nhưng natri xyanua, một trong những hóa chất độc hại đã được xác định tại hiện trường, đặc biệt độc hại. Hóa chất này có phản ứng với nước, nhưng không dễ cháy. Khi tiếp xúc với axit, nước, hoặc carbon dioxide, nó có thể sản sinh ra khí hydrogen cyanide, vốn có thể gây suy hô hấp và tử vong rất nhanh. Do natri xyanua không có mùi đặc biệt nên nó không dễ phát hiện ngay lập tức.
Greenpeace cũng cảnh báo, bất kỳ cơn mưa nào ở Thiên Tân vào lúc này cũng có thể chuyển các chất ô nhiễm trong không khí vào hệ thống nước. Cơ quan dự báo khí tượng cho biết, có khả năng hôm nay sẽ có mưa tại Thiên Tân. Natri xyanua cũng có thể làm ô nhiễm nước và gây ngộ độc.
4. Tại sao có nhiều nhân viên cứu hỏa thiệt mạng?
Các nhân viên cứu hỏa đã nhận được thông báo đầu tiên về vụ nổ tại cảng Thiên Tân là vào lúc 10h50’ tối ngày 12/8. Một vụ nổ tiếp theo, tương đương với hơn 20 tấn TNT, đã xảy ra vào lúc 11h30 đêm.
Các lính cứu hỏa tham gia cứu hộ chắc chắn đã hấp thụ một phần các hóa chất và khí độc hại thoát ra sau các vụ nổ, ngay cả khi họ đeo các thiết bị bảo vệ hô hấp đầy đủ cùng các thiết bị an toàn khác.
Cảng Thiên Tân tan hoang sau các vụ nổ |
5. Khu công nghiệp tại cảng liệu có thực sự an toàn?
Theo một đánh giá được thực hiện bởi Viện hàn lâm khoa học môi trường Thiên Tân trong năm ngoái, bất kỳ vụ cháy, nổ nào xảy ra tại khu vực thảm kịch hôm 12/8 đều "không có tác động đáng kể đến môi trường và cư dân xung quanh”.
Tuy nhiên, các vụ nổ đã làm nảy sinh những nghi ngờ về tính chính xác của đánh giá, mặc dù báo cáo cho biết rằng nhà kho, nơi các vụ nổ xảy ra, được trang bị đầy đủ hệ thống báo cháy.
Báo cáo kết luận: "Nhân viên cứu hỏa có thể đến hiện trường kịp thời trong trường hợp cháy, nổ xảy ra và thực hiện các biện pháp chữa cháy để khống chế sự thoát ra của các vật liệu độc hại".
Theo quy định quốc gia năm 2001, kho chứa hàng nguy hiểm phải được đặt cách ít nhất 1.000 mét so với bất kỳ công trình công cộng nào.
Tuy nhiên, một khu dân cư tại các cảng, Harbour City, chỉ nằm cách nhà kho khoảng 700m. Hầu hết các cửa sổ của tòa nhà này đã bị vỡ tan và cửa thang máy đã bị móp bởi các vụ nổ. Một số chủ sở hữu tài sản gần nơi xảy ra vụ nổ đã phàn nàn với các quan chức rằng họ không biết hàng hóa nguy hiểm được lưu trữ gần đó.
6. Có khả năng xảy ra các vụ nổ mới?
Wu Chunping, một kỹ sư cao cấp tại Viện nghiên cứu tổng hợp về khai thác mỏ và luyện kim Bắc Kinh cho biết, việc dập tắt ngọn lửa đã vấp phải nhiều khó khăn bởi có nhiều loại hóa chất được phát hiện tại hiện trường cũng như nhiều hợp chất mới được hình thành từ các phản ứng hóa chất xảy ra trong các vụ nổ.
Một nhóm quân sự Trung Quốc, bao gồm các chuyên gia hạt nhân và hóa học, đã được điều tới hiện trường để xác định và phân tích hóa chất. Đồng thời, nhiều container vẫn còn tại trung tâm của các vụ nổ và các chuyên gia cần phải đảm bảo rằng chúng không chứa các hàng hóa nguy hiểm có thể gây ra các vụ nổ mới.
Ví dụ, các hàng hóa có chứa natri có thể phản ứng mạnh với nước và gây nổ nếu nhân viên cứu hỏa sử dụng nước để dập lửa. Theo tin tức trên các phương tiện truyền thông, các nhân viên cứu hỏa đã sử dụng bình bọt và cát để dập lửa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.