(HNM) - Qua một số vụ án nghiêm trọng gần đây, có thể nhận thấy tội phạm, các đối tượng côn đồ hung hãn có xu hướng sử dụng vũ khí
Thực trạng đó đòi hỏi cần tăng cường quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK - VLN-CCHT). Công tác này đã được triển khai nhiều năm nhưng đang đứng trước những thách thức mới...
Vũ khí “nóng” bị lực lượng công an thu giữ.
Năm 2010 và quý I-2011, cả nước xảy ra hơn 230 vụ sử dụng súng gây án, làm 84 người chết, 232 người bị thương. Bước sang quý II-2011, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến VK-VLN-CCHT chưa có dấu hiệu giảm, mặc dù các đơn vị CA đã bắt giữ gần 100 đối tượng, thu giữ hàng chục khẩu súng các loại, 350kg thuốc nổ, 549 viên đạn. Tại địa bàn Hà Nội, đánh giá kết quả công tác bảo đảm ANTT những tháng đầu năm, BCĐ 197 TP cho biết, tình hình đối tượng sử dụng vũ khí nóng diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 26 vụ, tăng 10 vụ so với cả năm 2010, trong đó có 3 vụ sử dụng vũ khí quân dụng, 23 vụ sử dụng súng tự chế.
Đi kèm với việc sử dụng vũ khí nóng là hình thức tội phạm tụ tập thành băng nhóm, hoạt động liều lĩnh, manh động, có lúc trắng trợn như bảo kê, đòi nợ thuê. Song, cũng có nhiều vụ việc, chỉ từ va chạm, mâu thuẫn nhỏ, đối tượng côn đồ sẵn sàng nổ súng. Điều đó cho thấy thực trạng là một số lượng lớn VK-VLN-CCHT còn chưa được kiểm soát. Đại tá Nguyễn Văn Khoa, Trưởng phòng Tham mưu, Cục CSĐT tội phạm về TTXH - Bộ CA cho biết, số lượng vũ khí trôi nổi trong dân hiện còn khá nhiều, việc quản lý, thu hồi chưa triệt để. Nhận định đó còn được minh chứng bằng con số qua mỗi đêm tuần tra kiểm soát, lực lượng CSCĐ - CATP Hà Nội đã phát hiện 3-5 vụ tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Trong bối cảnh đó thì biện pháp chủ yếu để hạn chế tình trạng sử dụng VK-VLN-CCHT hiện đang được áp dụng vẫn chủ yếu là vận động nhân dân giao nộp. Bằng hình thức này, từ đầu năm đến nay, cơ quan CA đã vận động nhân dân giao nộp được gần 300 khẩu súng các loại, 66 quả mìn và lựu đạn. Song, hình thức này chỉ có tác động đối với người dân có ý thức. Mặt khác, tội phạm sử dụng vũ khí nóng cũng đã có nhiều thủ đoạn xảo quyệt nhằm trốn tránh pháp luật. Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH - Bộ CA cho biết, quá trình triệt phá một số ổ nhóm côn đồ sử dụng vũ khí nóng tại Thanh Hóa, cơ quan CA phải đối mặt với bọn tội phạm côn đồ nguy hiểm nhưng có giấy chứng nhận có bệnh về tâm thần. Vì vậy, quá trình điều tra, truy tố gặp nhiều khó khăn, dễ lọt tội phạm.
Để trấn áp tội phạm sử dụng VK-VLN-CCHT, hiện nay, ngoài biện pháp tuyên truyền, biện pháp cơ bản là phải có một "chiến dịch lớn" rà soát, phân loại đối tượng có biểu hiện sử dụng VK-VLN-CCHT, truy quét mạnh tội phạm, nhất là tội phạm có dấu hiệu hoạt động kiểu "xã hội đen", băng nhóm, tội phạm ở điểm nóng về ANTT. Bên cạnh đó, trong xu thế tội phạm hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, sự phối hợp của lực lượng CA cần chặt chẽ hơn nữa, có chuyên đề, biện pháp cụ thể...
Ngoài ra, về lâu dài, các chính sách pháp luật liên quan đến công tác quản lý VK-VLN-CCHT cũng cần tiếp tục được kiện toàn. Hiện nay, Chính phủ, Bộ CA đang chủ trì soạn thảo một dự thảo Pháp lệnh về quản lý VK-VLN-CCHT để trình Quốc hội sớm thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.