(HNMĐT) - Sau 2 ngày xét xử, hôm nay, 24/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra phán quyết cho 13 bị cáo trong vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ ở sân golf Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) với tổng mức án là 43 năm 6 tháng tù giam về các tội: Gây rối trật tự công cộng, Chống người thi hành công vụ, Cố ý gây thương tích, Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
(HNMĐT) - Sau 2 ngày xét xử, hôm nay, 24/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra phán quyết cho 13 bị cáo trong vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ ở sân golf Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) với tổng mức án là 43 năm 6 tháng tù giam về các tội: Gây rối trật tự công cộng, Chống người thi hành công vụ, Cố ý gây thương tích, Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Các bị cáo bị truy tố trong vụ án này gồm: Lê Gia Sơn, Lê Thị Mai, Lê Thị Luyến, Nguyễn Thị Thanh, Lê Văn Phương, Lê Văn Trọng, Lê Thị Sinh, Nguyễn Văn Dũng, Lê Văn Khoa, Lê Ngọc Tuyên, Lê Văn Mừng, Trần Quang Tuấn, Lê Văn Viễn (cùng trú tại thôn Thọ Đa, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh).
Ngược trở lại với các diễn biến của vụ việc, tháng 9/1995, Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi 93 ha đất và 35 ha mặt nước tại khu vực đầm Vân Trì thuộc thôn Thọ Đa (xã Kim Nỗ, Đông Anh) giao Công ty Daeha (liên doanh giữa công ty điện tử Hanel Việt Nam với Hàn Quốc) xây dựng khu vui chơi giải trí sân golf của thành phố. Năm 1998, sau khi dự án này thực hiện xong việc đền bù đất và cây trồng trên đất cho các hộ dân ở thôn Thọ Đa, UBND huyện Đông Anh đã bàn giao mặt bằng cho công ty Daeha để động thổ đưa vào thi công công trình. Nhưng do nền kinh tế của Hàn Quốc ở thời điểm đó bị khủng hoảng nên công ty Daeha không thể tiếp tục thi công xây dựng công trình.
Ngày 17/6/2003, Bộ kế hoạch và đầu tư đã cấp giấy phép cho Công ty Noble (là công ty liên doanh giữa công ty điện tử Hanel Việt nam và Thái Lan) được tiếp tục kế thừa dự án của Công ty Daeha. Trước khi thi công, thông qua nắm bắt tình hình phản ánh của địa phương, chủ dự án là công ty Noble đã hỗ trợ thêm cho mỗi hộ gia đình ở thôn Thọ Đa 6 triệu đồng, mỗi hộ gia đình ở thôn Bắc 1,3 triệu đồng và nhiều hộ gia đình ở 2 thôn trên đã nhận tiền hỗ trợ thêm. Song, có một số hộ gia đình vẫn không chịu nhận tiền hỗ trợ mà đòi hỏi mức cao hơn, đồng thời đã đưa ra nhiều đòi hỏi vô lý khác như tăng tiền đền bù thêm, hỗ trợ GPMB... Đặc biệt, các hộ dân còn yêu cầu Chủ đầu tư (Cty NOBLE) phải chi trả 70% tiền lương thất nghiệp cho con em địa phương do trước đây, chủ đầu tư cũ là Cty DEAHA đã cam kết sẽ tiếp nhận mỗi hộ dân bàn giao đất trước thời hạn 1 người vào làm việc khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động với mức lương 400.000 đồng/tháng/người... Thậm chí họ còn có những hành động đe doạ đến tính mạng nhân viên, phá phách máy móc thiết bị dự án đối với Chủ đầu tư... Một số cá nhân trong nhóm những người này đã đứng lên lôi kéo, kích động những người khác chống đối và cản trở việc thi công dự án.
Vụ gây rối "mở màn" trong các ngày 15,16/10/2004 khi Sơn, Thanh, Luyến, Mai cùng một số đối tượng ở thôn Thọ Đa ra khu vực trồng cỏ của sân golf gây rối, cản trở không cho Chi hội phụ nữ thôn Thọ Đa và Đoàn thanh niên xã Kim Nỗ trồng cỏ.
Tiếp đó, ngày 13/12/2004, khi dự án được khởi công, Sơn dẫn đầu nhóm những bị cáo trên ra khu vực sân golf đang thi công và lôi kéo thêm khoảng 150 người khác đến chửi bới, chống đối bằng cách dùng gậy, dao, giáo mác, gạch đá, mồi lửa tẩm xăng đốt, ném, bắn súng cao su... tấn công lại lực lượng cảnh sát, lực lượng bảo vệ sân golf, làm đình trệ việc thi công và gây thương tích cho nhiều cảnh sát và lực lượng bảo vệ đang làm nhiệm vụ. Nhiều phương tiện hỗ trợ của lực lượng cảnh sát như: mũ sắt, áo giáp, lá chắn, dùi cui điện, dùi cui cao su, khóa số 8, máy bộ đàm... cũng bị mất mát và hư hỏng.
Trên cơ sở kết quả điều tra, cơ quan chức năng đã xác định, "nhân vật" quá khích nhất trong vụ án này là Sơn. Ngoài các hành vi gây rối, kích động, y còn hủy hoại xe máy Dream II của anh Lê Văn Tường (tổ trưởng tổ bảo vệ của sân golf) khi anh đi làm nhiệm vụ đóng cọc xác định mốc giới ở vùng ngoài của công trình, gây thiệt hại hơn 2,7 triệu đồng. Ngày 27/3/2005, trong khi lực lượng công an thi hành lệnh bắt Sơn, Sơn đã dùng dao nhọn chống đối và gây thương tích cho anh Đào Anh Tuấn, công an thành phố Hà Nội khiến anh Tuấn bị tổn hại 12% sức khỏe.
Xét hành vi và mức độ phạm tội của từng bị cáo, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố đã quyết định tuyên phạt mức án cao nhất là 11 năm 6 tháng tù giam cho Lê Gia Sơn (Cụ thể: 30 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng", 4 năm tù về tội "Chống người thi hành công vụ", 3 năm tù do phạm tội "Cố ý gây thương tích", 2 năm tù về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản").
Tiếp theo, bị cáo Lê Văn Viễn lĩnh mức án 42 tháng tù; Lê Văn Phương, Lê Văn Khoa, Lê Văn Mừng đồng mức án 36 tháng tù; Lê Thị Mai 24 tháng tù.
7 bị cáo còn lại là Lê Thị Luyến, Nguyễn Thị Thanh, Lê Văn Trọng, Lê Thị Sinh, Nguyễn Văn Dũng, Lê Ngọc Tuyên, Trần Quang Tuấn cùng lĩnh mức án 30 tháng tù.
H.V
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.