(HNM) - Mỗi giờ trôi qua, những tia hy vọng mong manh về phép màu giúp những nạn nhân bị mắc kẹt trong con phà đắm Sewol của Hàn Quốc có thể sống sót lại tắt dần.
Đã một tuần kể từ khi con phà định mệnh bị đắm tại vùng biển cách đảo Byungpoong khoảng 20km về phía Tây nam của Hàn Quốc sáng 16-4, các lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn mất tích.
Các lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian để tìm kiếm nạn nhân mất tích. |
Những sai lầm, yếu kém của thủy thủ, phản ứng được cho là chưa đủ nhanh của chính quyền và sự tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của học sinh đã biến một vụ chìm phà gần bờ trở thành thảm họa… Đó là một loạt nguyên nhân mà người ta đã đưa ra để giải thích cho vụ tai nạn hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc 20 năm qua. Các điều tra viên tin rằng, việc phà Sewol rẽ phải đột ngột khi đang chạy ở tốc độ cao theo quyết định của một nữ thuyền phó non kinh nghiệm là nguyên nhân khiến 2.000 tấn hàng hóa trên nóc phà bị xô lệch, làm phà mất trọng tâm và nghiêng sang bên trái rồi chìm hẳn.
Chiếc phà nhiều tầng Sewol tải trọng 6.825 tấn do Nhật Bản sản xuất năm 1994, có thể chở tối đa 921 hành khách, 180 phương tiện giao thông, 152 container bị chìm khi đang trên đường từ thành phố cảng Incheon tới đảo nghỉ dưỡng Jeju. Điều đáng buồn là vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên phà có 476 người, trong đó 325 học sinh ở độ tuổi 16-17 và 15 giáo viên thuộc Trường Trung học Danwon ở Ansan, ngoại ô thủ đô Seoul đang đi du lịch thực tế. Công ty Chonghaejin đã mua lại chiếc phà Sewol 20 năm tuổi này vào năm 2012 và bổ sung một tầng nữa trong đợt sửa chữa kéo dài 4 tháng, nâng tổng sức chứa hành khách từ 840 lên 956 người. Việc nâng cấp trên cũng khiến chiếc phà nặng hơn 239 tấn so với thiết kế ban đầu. Một số cựu thủy thủ từng làm việc trên phà này cho rằng, việc nâng tải trọng này đã khiến chiếc phà bị thay đổi trọng tâm, làm sức nặng của cả chiếc phà bị dồn lên phía trên.
Giữa lúc các hoạt động cứu hộ vẫn đang được tiến hành khẩn trương, một thông tin được báo chí Hàn Quốc đăng tải khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Đó là việc không có thành viên nào của thủy thủ đoàn, kể cả thuyền trưởng phà Sewol đủ tiêu chuẩn để lái phà. Các nhà điều tra còn phát hiện rằng thủy thủ đoàn chưa từng trải qua khóa huấn luyện an toàn nào. Theo quy định của Cheonghaejin Marine, đơn vị vận hành phà Sewol, toàn bộ thuyền viên phải được diễn tập định kỳ với các bài tập cứu hỏa, giải cứu, sơ tán hành khách, đối phó với tình huống phà bị hư hại do va chạm, đâm phải đá ngầm hoặc trục trặc động cơ. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn trên Sewol chưa từng trải qua khóa huấn luyện nào như vậy. Đây được xem là lỗ hổng lớn về quản lý các phà chở khách ở Hàn Quốc hiện nay.
Đến nay, Văn phòng Công tố quận Incheon đã thực hiện biện pháp điều tra mở rộng nhằm xác định xem liệu việc sửa chữa chiếc phà và sự thiếu đào tạo về an toàn đối với các thủy thủ đoàn có góp phần gây ra thảm họa hay không. Giới chức Hàn Quốc đã mở rộng cuộc điều tra về nguyên nhân thảm họa sang gia đình chủ phà khi cấm 44 người có liên quan xuất cảnh. Thế nhưng, dư luận Hàn Quốc ngày càng hoài nghi về mô hình quản lý của nước này khi chỉ chú trọng hiệu quả kinh tế mà lơi lỏng các biện pháp an toàn bảo vệ con người.
Những ngày này, cảng Paengmok trên đảo Jindo, phía nam Jeolla của Hàn Quốc đã trở thành tâm điểm của nỗi đau sau khi các gia đình nạn nhân tập trung đến đây để nhận diện các thi thể được đưa vào bờ. Sự mất mát của bất kỳ bậc phụ huynh nào bị mất con đều khó tưởng tượng nổi. Vẫn biết tai nạn là không thể biết trước. Nhưng việc bảo đảm những quy định an toàn có thể sẽ ngăn ngừa những thảm họa đáng tiếc. Nỗi day dứt đang tăng mạnh ở Hàn Quốc khi không ít ý kiến cho rằng một đất nước đã thoát khỏi đói nghèo để bứt lên thành một trong 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới với bao nhiêu kỳ tích nhưng lại bất lực trước một thảm họa không đáng có như vụ chìm phà Sewol.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.