Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ bê bối của tập đoàn bảo hiểm AIG: Người giàu cũng lĩnh thưởng

TUANPHONG| 23/03/2009 07:18

(HNM) - Vụ siêu lừa Ma-đóp chưa kịp lắng thì cuối tuần qua, vụ bê bối tiền thưởng lên đến 165 triệu USD của tập đoàn Bảo hiểm AIG đã khiến cả nước Mỹ xôn xao. Hiện vụ việc đã đến hồi

(HNM) - Vụ siêu lừa Ma-đóp chưa kịp lắng thì cuối tuần qua, vụ bê bối tiền thưởng lên đến 165 triệu USD của tập đoàn Bảo hiểm AIG đã khiến cả nước Mỹ xôn xao. Hiện vụ việc đã đến hồi "gay cấn" khi người đứng đầu ngành tư pháp bang Niu Y-oóc (Mỹ), ông An-đru Cua-mô (ngày 19-3) buộc AIG phải giao nộp danh sách những người nhận tiền thưởng mà trước đó AIG cương quyết từ chối.

Giám đốc điều hành AIG, ông E.Lít-đi trong phiên điều trần ngày 18-3. Ảnh: AP

Tuy nhiên, ông Cua-mô cho biết trước mắt cơ quan hành pháp bang sẽ không công bố danh sách này. Trước đó, AIG đã lấy lý do bảo vệ sự an nguy của nhân viên mà không công bố danh sách. Tại phiên điều trần trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ ngày 18-3, Giám đốc điều hành AIG, ông Ét-uốt Lít-đi cho biết, thậm chí một số nhà quản lý nhận được những lời đe dọa giết chết từ một số người dân phản ứng tiêu cực trước vụ việc trên. Vì vậy, ông khăng khăng từ chối tiết lộ tên của họ, cho rằng điều này có thể khiến những người nhận tiền thưởng cùng gia đình họ lâm nguy. E. Lít-đi biện minh rằng, đã cố gắng tránh cho Tập đoàn AIG không bị sụp đổ bằng cách lấy tiền cứu trợ của Chính phủ Mỹ cho phép chi thưởng 165 triệu USD cho nhân viên để giữ chân họ. Nhưng theo thống kê của nhà chức trách Niu Y-oóc, 11 nhà quản lý đã rời bỏ AIG mặc dù đã được nhận khoản tiền thưởng ít nhất 1 triệu USD/người.

Nguồn tin từ cơ quan Tòa án Niu Y-oóc khẳng định rằng, Văn phòng tư pháp bang sẽ chịu trách nhiệm cân bằng giữa quyền của công chúng được biết về cách chi tiêu những khoản tiền đóng thuế của họ với an ninh cá nhân, quyền cá nhân và quyền của công ty. Trong bối cảnh giận dữ của dư luận ngày một gia tăng trước việc AIG dùng tiền cứu trợ của Chính phủ để thưởng 165 triệu USD cho các nhân viên, Văn phòng tư pháp bang Niu Y-oóc sẽ làm việc với AIG trong những ngày tới để xác định nhân viên nào đã nhận tiền và đã trả lại số tiền này hay chưa. Đến lúc này, một số nhân viên AIG đã nhất trí trả lại toàn bộ số tiền thưởng đã nhận.

Trong khi đó, Bra-rốp-xki, Tổng thanh tra đặc biệt cho biết ông sẽ chú ý tới vai trò của Bộ Tài chính trong vụ này và sẽ "hành động quyết liệt để thu hồi tiền thuế của dân". Ông tiết lộ có bằng chứng rằng Bộ Tài chính và AIG đã thảo luận về khoản tiền thưởng trên hồi tháng 10 trong các cuộc đàm phán cứu trợ. Nhưng cả Bộ Tài chính và ông Lít-đi đều khẳng định họ nhận được sự tư vấn rằng hoàn toàn hợp pháp để thưởng tiền cho các giám đốc. Đồng thời, Bộ trưởng Tài chính Ti-mô-thi Ghết-nơ đã bác bỏ các lời yêu cầu đòi ông phải từ chức vì vụ tiền thưởng của AIG, dù ông tuyên bố nhận hoàn toàn trách nhiệm vì đã để đến quá muộn mới biết thông tin về vụ này.

Cũng trong cuối tuần qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đánh thuế đến 90% với những khoản tiền thưởng của những nhân viên đang làm việc cho các công ty nhận từ 5 tỷ USD tiền cứu trợ của chính phủ trở lên. Việc đánh thuế áp dụng cho những ai có mức thu nhập gia đình trên 250.000 USD/năm, tính từ thời điểm 31-12-2008. Dự luật được thông qua với tỉ lệ phiếu 328/93, chỉ sau có 40 phút thảo luận. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã hoan nghênh kết quả bỏ phiếu trên: "Giờ dự luật này sẽ được chuyển tới Thượng viện và tôi mong đợi đó sẽ là một thông điệp mạnh gửi tới các giám đốc điều hành những công ty này rằng hành động thưởng tiền đó sẽ không được khoan dung". Vụ bê bối ở AIG đã khiến Tổng thống B.Ô-ba-ma nổi giận. Sau khi lên nắm quyền Nhà Trắng, cùng với nhiều biện pháp khôi phục kinh tế, ông B.Ô-ba-ma luôn chủ trương siết các khoản thưởng khổng lồ tại những tập đoàn đang nhận tiền cứu trợ. Ông nhấn mạnh, việc thưởng lớn có thể được thực hiện vào lúc khác, chứ không phải trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. "Làm sao họ có thể biện hộ được sự xúc phạm trắng trợn đối với người nộp thuế, những người đã bỏ tiền ra để giúp công ty thoát hiểm?".

AIG được cứu khỏi bờ vực phá sản hồi tháng 9-2008 với một khoản tiền 85 tỷ USD. Kể từ đó tới nay, Chính phủ Mỹ đã bơm thêm hàng tỷ USD vào công ty bảo hiểm này. AIG thông báo thua lỗ 61,7 tỷ USD trong ba tháng cuối của năm 2008 - mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử của công ty. Hiện tại, AIG có tổng giá trị tài sản lên tới 1.100 tỷ USD và 74 triệu khách hàng tại 130 nước trên thế giới, do đó sự sụp đổ của tập đoàn này có thể làm trầm trọng hơn thị trường bảo hiểm toàn cầu.

Thùy Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ bê bối của tập đoàn bảo hiểm AIG: Người giàu cũng lĩnh thưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.