Pháp đình

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo có hành vi vi phạm thụ động, theo chỉ đạo

Báo Tin tức/TTXVN 26/03/2024 16:35

Ngày 26-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục phần bào chữa của luật sư.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 26-3. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Anh Phương (cựu Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn) cho rằng, mức án 8-9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cho bị cáo là khá nặng so với hành vi.

Theo cáo trạng, Lê Anh Phương làm việc tại Ngân hàng SCB cũ (trước khi hợp nhất 3 ngân hàng) từ tháng 7-2007; sau đó tiếp tục công tác tại Ngân hàng SCB đến ngày 14-12-2020. Từ ngày 24-8-2017 đến 9-10-2020, Lê Anh Phương đã ký 99 tờ trình thẩm định cho vay 91 khách hàng thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để vay 119 khoản tại Ngân hàng SCB, với tổng dư nợ đến ngày 17-10-2022 là 77.934 tỷ đồng.

Ngoài việc tham gia lập hồ sơ vay vốn “khống”, Lê Anh Phương còn theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, đã chết) nâng khống giá trị tài sản và lùi ngày phát hành chứng thư để hợp thức cho 4 khoản vay của 4 công ty “ma” thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với tổng dư nợ đến ngày 17-10-2022 là 4.938 tỷ đồng. Hành vi của Lê Anh Phương đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền 72.374 tỷ đồng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Anh Phương không tranh luận về tội danh nhưng mong Hội đồng xét xử xem xét lại vai trò của vị cáo trong vụ án chỉ là người làm công ăn lương, không được trao đổi, bàn bạc về công việc, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không phải là người trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB. Do tin tưởng cấp trên và danh tiếng của bị cáo Trương Mỹ Lan, tại thời điểm đó, bị cáo không có nghi ngờ gì về những người đứng tên hộ tài sản đảm bảo.

Trên cương vị là một giám đốc chi nhánh, bị cáo Phương chỉ thực hiện nhiệm vụ ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp theo chỉ đạo từ hội sở mà không có quyền thẩm định lại những hồ sơ do khối tái thẩm định đưa xuống. Trong quá trình phê duyệt hồ sơ vay, Phương cũng không được trực tiếp gặp, trao đổi, giao dịch, đàm phán với khách hàng vay vốn mà tất cả chỉ thông qua những người khác. Bị cáo cũng không được hứa hẹn cho hưởng lợi gì ngoài lương, thưởng và chính sách theo hợp đồng lao động.

Một tình tiết đáng chú ý là vào năm 2020, bị cáo Phương đang làm Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn đã có một số khoản vay được các bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) chỉ đạo chi nhánh lập hồ sơ cho vay. Tuy nhiên, bị cáo Phương phát hiện có sai phạm trong khoản vay nên đã không đồng ý đối với các khoản vay này và có ý kiến. Ngay sau đó, bị cáo Phương bị bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB) mời lên làm việc, buộc làm theo chỉ đạo nếu không sẽ chuyển bị cáo sang làm việc tại đơn vị khác. Bị cáo không đồng ý nên nghỉ việc tại Ngân hàng SCB vào tháng 10-2020.

Theo luật sư, tình tiết trên thể hiện áp lực từ cấp trên mà bị cáo Phương phải đối mặt khi làm việc tại Ngân hàng SCB, nếu không làm theo chỉ đạo sẽ có nguy cơ bị thuyên chuyển hoặc cho thôi việc. Đồng thời, việc này cũng thể hiện ý thức của bị cáo khi phát hiện có sai phạm đã ngay lập tức có ý kiến, từ chối ký những hồ sơ vay vốn có vấn đề và chấp nhận nghỉ việc, nhất quyết không làm theo sai phạm.

Về các tình tiết giảm nhẹ hình phạt, luật sư cho biết, bị cáo Phương tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả, thành thật khai báo, gia đình có công với cách mạng, tích cực tham gia phòng, chống Covid-19, xây tặng nhiều nhà tình nghĩa cho người nghèo... Luật sư đề nghị, Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt dưới khung thấp nhất của khung hình phạt tại Điều 54, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Trần Thuận Hòa (cựu Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB) bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 4-5 năm tù giam vì hành vi ký 2 biên bản họp biểu quyết đồng ý 71 khoản vay tại Ngân hàng SCB, giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền và gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB 2.371 tỷ đồng.

Bào chữa cho bị cáo Trần Thuận Hòa, luật sư trình bày, việc thực hiện đề án tái cơ cấu, hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Tín Nghĩa theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm đó là chưa từng có tiền lệ. Do không có hướng dẫn chính thức nên nhóm bị cáo thuộc Hội đồng quản trị của Ngân hàng SCB rất khó khăn khi phải xử lý 71 khoản vay nhằm giải quyết nợ xấu tồn tại trước đây.

Để đảm bảo an toàn nhất, tránh nguy cơ mất vốn nếu xảy ra tình huống xấu nhất, các bị cáo đã đồng ý bổ sung loạt tài sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để đảm bảo cho 71 khoản vay với giá trị tài sản được định giá gần 53.000 tỷ đồng so với tổng dư nợ gốc hơn 19.000 tỷ đồng. Việc bị cáo Hòa ký 2 phiếu biểu quyết là theo quy trình của ngân hàng, vì công việc chung chứ bản thân bị cáo không có động cơ vụ lợi, cũng không nhận được bất kỳ lợi ích gì.

Về tình tiết giảm nhẹ, luật sư lập luận, bị cáo Hòa đã thành thật khai báo, ăn năn hối cải, đã khắc phục hậu quả vụ án. Ngoài ra, gia đình bị cáo Hòa có công với cách mạng, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt. Đặc biệt, bị cáo Hòa là người thực hiện hành vi thụ động, vai trò thứ yếu trong vụ án. Do đó, luật sư đề nghị, Hội đồng xét xử áp dụng chính sách khoan hồng của Nhà nước để miễn hình phạt cho bị cáo hoặc áp dụng Điều 65, Bộ luật Hình sự 2015 phạt 1 năm tù treo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vụ án Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo có hành vi vi phạm thụ động, theo chỉ đạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.