Cốt truyện dựa vào một sự kiện có thật: rùa ở hồ Hoàn Kiếm bị chết. Thế nhưng, trừ những người như ông già (diễn viên Trung Anh) và cu Việt (Hồng Quang), tất cả đều bàng quan. Xuất phát từ lòng quí trọng đối với biểu tượng thiêng liêng của lịch sử và văn hoá đất nước, ông già và cu Việt đi tìm căn nguyên. Họ đưa đơn kiện tới các cơ quan chức năng nhưng đều bị từ chối giải quyết.
Một cảnh trong vở kịch
Vụ án ngày càng đi vào bế tắc vì không thể biết thủ phạm là ai. Tác giả đã xử lý tình huống này bắng cách qui trách nhiệm vào sự vô ý thức của cộng đồng xã hội, làm ô nhiễm hồ nước, dẫn tới cái chết của con rùa. Cái mới của kịch bản là từ một sự kiện có thật, tác giả đã đặt nó trong bối cảnh lịch sử và văn hóa rộng lớn. Điều này đã đem đến cho vở diễn mới của Nhà hát Kịch Việt Nam ý nghĩa khái quát sâu sắc, nhắc nhở mọi người nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, di sản văn hóa thiêng liêng.
Hài kịch là âm hưởng chủ đạo của vở. Tác phẩm châm biếm tệ quan liêu trong các công sở. Đối tượng bị phê phán được đạo diễn Lê Hùng thể hiện qua những diễn viên đeo mặt nạ và mang biển hiệu phòng, ban, sở, cục, vụ. Bắt đầu có tiếng kẻng, họ lần lượt xách cặp đến công sở với dáng điệu kệch cỡm, xa lạ với đời sống. Họ không quan tâm tới lợi ích chung của xã hội mà chỉ chăm lo cho quyền lợi cá nhân. Chỉ có 3 nhân vật không đeo mặt nạ là ông già, nhà báo nữ Thùy Trang (Kim Thúy) và cu Việt - những người dũng cảm đấu tranh để bảo vệ sự thật. Thuỳ Trang quan tâm tới cái chết của con rùa, phơi bày sự thật trước công luận.
Sang phần hai, không gian, thời gian của vở diễn dịch chuyển từ thực tại sang thời gian bên ngoài trần thế với sự xuất hiện của các nhân vật lịch sử : Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Siêu, Chu Văn An, Trần Hưng Đạo. Đây là một bước đột phá táo bạo của tác giả kịch bản Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã nhằm mở rộng cấu trúc kịch, gắn những vấn đề hiện đại với truyền thống. Do không thể qui trách nhiệm vào những con người cụ thể mà chỉ có thể qui vào ý thức xã hộinên phải có sự xuất hiện của một “toà án lịch sử”, trong đó danh nhân lịch sử trở thành quan tòa. Luật sư trẻ Trọng Nghĩa (Xuân Nam) là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ. Do không có bằng chứng và nhân chứng cụ thể, Nghĩa đã rơi vào tình trạng bế tắc. Cụ Nguyễn Trung Ngạn hiện lên và dẫn anh sang thời gian ngoài trần thế, nơi những người đã đặt nền móng của văn hóa dân tộc lập ra phiên tòa. Tòa án này phán quyết: toàn bộ xã hội mang tội trước cái chết của rùa thần, trước sự hủy hoại môi sinh. Được giác ngộ trước bản án rất nghiêm khắc nhưng thấu tình đạt lý, Trọng Nghĩa đã quay trở về thế giới thực tại và kêu gọi thành lập tòa án lương tâm cho mỗi người để họ tự kiểm điểm ý thức, hành vi bảo vệ môi trường và tự sửa chữa khuyết điểm. Đó là cách giải quyết xung đột kịch và cũng là kết luận của vở kịch.
Tác giả kịch bản và đạo diễn kết hợp thủ pháp tả thực với ước lệ nhằm mở rộng hệ thống chủ đề và không gian sân khấu, là sự tìm tòi rất đáng trân trọng. Có những lúc vở diễn đã đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa hai thủ pháp này. Thí dụ như tình tiết ông già chạy đưa đơn kiện, quá mệt mỏi bị chết, được các cụ ở thế giới bên kia cứu sống để tiếp tục đấu tranh. Tình tiết ước lệ này trở thành một mắt xích quan trọng trong lô-gíc phát triển của tình huống kịch, nên đã được khán giả cảm nhận như một tất yếu, vừa hợp “đạo trời” lại vừa thuận lòng người. Trang trí ước lệ, tượng trưng của họa sĩ Doãn Châu góp phần cho sự di chuyển không gian, thời gian một cách linh hoạt và thuyết phục.
Tuy nhiên, về phong cách nghệ thuật và âm hưởng của thể loại, vở diễn còn thiếu sự kết nối nhịp nhàng. Nếu như trong phần đầu, chất hài kịch đã gây tiếng cười đồng cảm, lời thoại linh hoạt, nghệ thuật diễn xuất khá dung dị, uyển chuyển thì ở phần hai, chất hài hước và châm biếm đã bị loại bỏ, nhường chỗ cho thủ pháp chính kịch. Chủ đề của vở không còn được thể hiện tinh tế như phần đầu nên có lúc khán giả phải nghe những lời giáo huấn khô khan. Các nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi, Nguyễn Siêu, Chu Văn An… đều là những nhà văn hoá lớn, nếu phát hiện và thể hiện một cách nổi bật cảm quan hài hước ở những nhân vật này, thì chắc chắn truyện kịch và sàn diễn sẽ bình dị, gần gũi hơn.
Đỗ Thu Hằng(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.