Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ 3 mẹ con chết trong phòng kín: Phép màu cho bé 3 ngày tuổi

Theo GĐ & XH| 28/12/2011 10:05

Phép màu nhiệm nào đã cứu sống cháu và hơn hết là cần phải có một phép màu cho tương lai của cháu bé?

Phép màu nhiệm nào đã cứu sống cháu và hơn hết là cần phải có một phép màu cho tương lai của cháu bé?

Bác sĩ Đông (Trưởng khoa Nhi) thường xuyên có mặt bên cháu.


Như tin đã đưa, trong vụ ba mẹ con chết trong phòng kín vì sưởi than, cháu bé 3 ngày tuổi đã thoát nạn một cách hi hữu, thần kì. Phép màu nhiệm nào đã cứu sống cháu và hơn hết là cần phải có một phép màu cho tương lai của cháu bé?


Bé trai đang được theo dõi, chăm sóc tại bệnh viện

Vào lúc 19 giờ ngày 27/12/2011, sau khi đưa tang xong cho 3 nạn nhân xấu số, chúng tôi có mặt tại khoa Nhi, BV đa khoa huyện Can Lộc thăm cháu bé. BS Phan Đình Đông, trưởng khoa Nhi bệnh viện cho biết: “Cháu nhập viện đã 2 ngày. So với lúc vào viện tình hình sức khỏe, cân nặng vẫn ổn định, nước da tuy có hơi vàng nhưng đó là vàng da sinh lí, cháu bú tốt… Nói chung, hiện tại cháu bé đã qua cơn nguy kịch. Đó là một sự màu nhiệm của cuộc sống”.

BS Lê Thế Nhiên, Giám đốc bệnh viện trao đổi: “Cháu bé sống sót có thể là nhờ mới sinh nên nhu cầu về Oxi ít hơn người lớn. Sau khi bếp than tắt, số Oxi còn lại bị đẩy lên trên trước đó đã trung hòa trở lại nên vẫn đủ cho cháu bé. Hiện tại cháu chỉ cần theo dõi, giữ ấm, không cần đến chỉ định thuốc. Tuy nhiên, do trong lúc tang gia bối rối không báo cho cấp cứu, đến 17 giờ chúng tôi mới tiếp cận được cháu bé và kịp thời cho cháu thở Oxi. Với tình thương và trách nhiệm của lương y, ngoài tận tình chăm sóc, chiều nay, chúng tôi đã quyên góp trong toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện được gần 3 triệu đồng ủng hộ cháu; giành cho cháu 1 phòng riêng đặc biệt có bình thở, máy sấy… Nhìn cháu bé, chúng tôi ai cũng nghẹn ngào”.

“Khi được mọi người cho bú nhờ, no sữa cháu lại ngủ. Bé thật ngoan, rất ít khóc. Cả ngày mắt cháu hơi sưng đỏ, người có kinh nghiệm bảo cháu đang khóc cho tình mẫu tử, ruột rà” - Chị Nguyễn Thị Thái, điều dưỡng viên khoa Nhi rưng rưng kể.

Lúc chúng tôi đến, người nhà chỉ có chị Nguyễn Thị Tâm (mợ của cháu bé) và chị Lâm Thị Thủy (con dâu của bác ruột của bố bé) chăm sóc. Chị Thái cho biết: “Lúc phát hiện, cháu còn sống, để kịp thời cứu bé, được sự nhất trí của mọi người, tôi ẵm chặt cháu chạy một mạch về nhà cho cháu bú đứa con dâu còn nuôi cháu nhỏ hơn 3 tháng tuổi. Đói. Khóc lả. Sờ được bầu vú là cháu mút lấy mút để. Tôi thở phào biết cháu còn tia hi vọng”.

Chị Thủy cho biết thêm: “Từ hôm qua đến nay, các bác, các mợ, anh chị em luôn có 4 hay 5 người thường xuyên có mặt túc trực. Được bệnh viện hết sức quan tâm nên chúng tôi có chỗ nghỉ tạm để thay nhau chăm cháu bé từng giây, từng phút”.

Chị Phạm Thị Hồng (24 tuổi) quê Thiên Lộc là mẹ của cháu bé đang điều trị ở phòng bên cạnh tự nguyện sang để cho cháu bé bú. Chị Hồng cho biết: “Cháu bé vẫn bú bình thường, tôi cũng ít sữa nhưng không thể không san sẻ để cứu cháu bé. Mỗi lần cháu chúm chím môi ngậm bầu vú, tôi lại không cầm được nước mắt!”

Được biết Công đoàn bệnh viện đa khoa Can Lộc đã vận động toàn thể cán bộ nhân viên đang còn cho con bú thay nhau cho cháu bé bú. Đó là chị Bích Thúy (khoa Dược), chị Thảo (khoa Xét nghiệm)…

Trao đổi với chúng tôi về thời gian và phác đồ điều trị, BS Đông bộc bạch: “Hiện tại, chúng tôi vẫn sẽ đề nghị gia đình tiếp tục cho cháu ở lại để theo dõi. Sau khi ra viện, điều nhất thiết đối với cháu bé là phải xin bú sữa người ít nhất là 3 tháng đầu. Nếu không làm được điều đó thì nguy cơ cháu bị rối loạn tiêu hóa mãn tính, sỏi thận và các bệnh khác là điều khó tránh khỏi”.

Bác sĩ Lê Thế Nhiên chia sẻ: “Mong sao cháu bé không bị ngộ độc CO2 nặng. Vì như thế sẽ làm cho cháu suy giảm và sa sút trí tuệ trong tương lai”.

Chị Tân vẫn rưng rưng ngấn lệ: “Trước mắt, khi cháu về, tôi sẽ bồi dưỡng thêm cho con dâu để có thêm sữa cho cháu bé. Trong trường hợp cần thiết sẽ nhờ các chị đang nuôi con nhỏ trong xóm. Ngặt quá thì sắp tới dì của cháu sinh em bé. Mặc dầu ở tận ngoài Đức Thọ nhưng chúng tôi sẽ bàn với ông Đức cho cháu ra ngoài đó gửi dì”.

Ba khăn tang, và chiếc gậy bên bàn thờ…

Trước khi sự việc xảy ra, vợ chồng anh Vũ đã có ý định đặt tên cho con nhưng chờ cho đủ tuần rồi mới gọi. Như vậy, cháu bé chưa kịp có cái danh xưng thì đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Theo tục lệ, để cúng cha, cúng mẹ nên mọi người trong gia đình và dòng họ phải đặt cho cháu bé cái tên là Trần Thọ Phong. Oái ăm với cháu bé, lần đầu tiên được gọi tên không phải là lời âu yếm mà là để cúng cơm cha, mẹ.

Sáng nay (28/12), chúng tôi đến nhà ông Trần Thọ Đức. Không khí tang thương vẫn bao trùm lên cả hai ngôi nhà. Vào phòng thắp hương cho anh Vũ, chúng tôi thấy một cái gậy gác bên bàn thờ đang đỏ nhang, ba khăn tang vắt trên dây.

Anh Nguyễn Đức Bình sụt sịt: "Nhìn gậy gác bên bàn thờ, khăn tang trắng vắt trên dây, cháu đang nằm viện nghĩ mà nẫu ruột".

Ông Trần Thọ Đức thắp nhang và nức nở: "Chắt chiu làm nhà cho con sinh sống, ai ngờ giờ thành nhà chết con ơi !"

Để làm ngôi nhà này, ông Đức còn nợ anh em, bà con và ngân hàng 60 triệu đồng. Bây giờ, mới tuổi 60 mà tóc bạc trắng, thêm nỗi đau tang kép khiến ông tiều tụy. Rồi đây, ông lại phải xoay xở nuôi đứa cháu nội 3 ngày tuổi đã không còn bố mẹ. Trời thương ông cho giữ lại đứa cháu và cũng là bắt ông phải gánh vác cho số phận cả cuộc đời sau này của đứa cháu mồ côi. Không biết ông có thể cáng đáng nổi?

Ông Đức và cháu bé rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vụ 3 mẹ con chết trong phòng kín: Phép màu cho bé 3 ngày tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.