(HNM) - Giải bóng đá VĐQG - Super League 2012 đã có những nét mới dù chưa rõ ràng. VPF (Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam), dù chính thức ra đời mới hơn một tháng nhưng ít nhiều đã
Vấn đề nổi cộm nhất của Super League 2012, như báo giới đã đề cập, vẫn là trọng tài. Trên thực tế, đây vốn dĩ là câu chuyện muôn thuở, không chỉ với bóng đá Việt Nam mà cả thế giới. Thế mới có chuyện Trưởng ban Trọng tài Dương Vũ Lâm phân trần "trọng tài cũng là người chứ không phải cái máy" trước cảnh liên tiếp 3 lượt đấu, các ông "vua sân cỏ" đều bị kêu ca. Trong 11 mùa giải dưới sự tổ chức, điều hành của LĐBĐ Việt Nam (VFF) trước đó, có thể chắc rằng chưa năm nào các trọng tài không bị phản ứng, với các mức độ khác nhau. Thậm chí có những trường hợp, cầu thủ nổi xung, đuổi trọng tài chạy lòng vòng trên sân.
Pha tranh bóng giữa cầu thủ CLB Hà Nội và Khánh Hòa. Ảnh: MInh Hoàng |
Ở đây có hai khía cạnh cần nói rõ, một là năng lực điều khiển trận đấu của một số trọng tài thực sự "có vấn đề". Việc phân công, bố trí trọng tài cho mỗi trận đấu của HĐTTQG trước kia hay Ban trọng tài hiện nay đôi khi chưa thật sự hợp lý. Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác là ý thức của nhiều cầu thủ, HLV chưa thật sự chuyên nghiệp. Nói như nguyên Chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi, các đội bóng Việt Nam mắc căn bệnh "đổ thừa". Hễ thua là trút hết sang đầu trọng tài, bất kể đúng - sai.
Nói vậy không phải Super League 2012 không có điểm sáng. Nếu nhìn vào lượng khán giả đến sân qua 3 lượt trận đầu tiên, có thể thấy sự vào cuộc của VPF ít nhiều đang mang lại những hiệu ứng tích cực. Theo thống kê, tổng số khán giả đến sân 3 lượt trận mùa giải 2012 đạt hơn 143.000 người, vượt hơn 14,3% so với cùng thời điểm năm ngoái (129.000). Xét trong bối cảnh U23 Việt Nam vừa thất bại nặng nề ở SEA Games 26, đây rõ ràng là một tín hiệu vui. BTC VFF trước kia thường xuyên căng thẳng với bài toán kéo khán giả đến SVĐ.
Để nâng cao năng lực quản lý, tổ chức và điều hành giải đấu, VPF đã áp dụng một loạt các biện pháp mới ở mùa giải năm nay, từ việc thử nghiệm trang bị máy ghi âm cho trọng tài, nâng cao chế độ, đến thực hiện việc thanh toán tiền lương, tiền công qua ATM… Theo TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn, việc áp dụng thanh toán qua ATM sẽ giúp bóng đá Việt Nam từng bước minh bạch hóa về tài chính. Phó TGĐ Phạm Phú Hòa cho biết thêm, VPF có thể sẽ tách bạch công việc của giám sát, độc lập với các hoạt động khác của VPF và VFF. Đội ngũ giám sát cũng sẽ được sàng lọc lại. Đây có thể coi là biện pháp cần thiết để nâng chất lực lượng vốn được xem là "cánh tay nối dài" của BTC giải.
Trên tất cả, cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình (BQTH) giữa VPF và Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đang là câu chuyện gây nhiều chú ý nhất của công luận. Bất kể quyết định của cơ quan chức năng sau đây nghiêng về bên nào, thì rõ ràng việc VPF "xới" lại vấn đề trên đã khiến Super League đang trở nên có giá hơn trong mắt các nhà đài. Cũng có cơ sở để cho rằng, chính cuộc đấu giữa AVG và VPF đã khiến cho Super League trở nên hấp dẫn hơn.
Giải bóng đá vô địch quốc gia dưới sự tổ chức, điều hành của VPF hy vọng sẽ thực sự thay đổi để có một diện mạo mới tích cực hơn cho dù đây chắc chắn không phải câu chuyện trong một sớm một chiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.