(HNMO) - Trước dư luận đang xôn xao về việc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) lắp thêm khóa, dán niêm phong, xiết nợ nhà dân tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, VPBank đã lên tiếng.
Ông Hoàng Anh Tuấn-Tổng Công ty quản lý tài sản VPbank (VPBank AMC) cho biết, trên cơ sở ủy thác của VPbank, VPbank AMC đang xử lý thu hồi khoản nợ xấu của khách hàng là ông Nguyễn Sỹ Minh và vợ là Lâm Thị Phương Thoa.
Theo hợp đồng tín dụng số LD1015900021 ngày 11/06/2010, ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa vay của VPbank tổng số tiền là 5 tỷ đồng. Để đảm bảo cho khoản vay này tại VPbank, ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa đã thế chấp tài sản bảo đảm là căn hộ chung cư địa chỉ tại phòng 1401, tòa nhà 17T2, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa theo hợp đồng thế chấp Công chứng số 660/2010, quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD ký ngày 10/06/2010 tại Văn phòng Công chứng Kinh Đô, TP Hà Nội.
Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm tới ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa gần đây nhất |
Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng nên khoản vay nêu trên bị quá hạn kể từ ngày 5/9/2012. Từ đó đến nay đã gần 3 năm, VPbank đã nhiều lần đôn đốc, tạo điều kiện cho ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa tự bán tài sản thế chấp hoặc sử dụng các nguồn khác để trả nợ, tuy nhiên ông Minh và bà Thoa vẫn không thực hiện. Vì vậy, VPbank đã quyết định chấm dứt việc cho vay, thu hồi toàn bộ dư nợ của khách hàng Nguyễn Sỹ Minh và xử lý tài sản thế chấp để thu nợ theo đúng thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng đã ký và quy định tại Điều 95 Luật các Tổ chức tín dụng.
Để thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp, căn cứ vào Hợp đồng thế chấp đã ký, quy định tại Điều 63 và các điều khoản liên quan tại Nghị định của Chính phủ số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung theo các Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 và số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012), VPBank đã gửi các văn bản thông báo tới Chủ tài sản là ông Sỹ Minh, bà Phương Thoa và các cơ quan chính quyền địa phương.
Cụ thể, ngày 4/4/2014, VPBank AMC đã có Thông báo số 2246/2014/TB-VPBAMC về việc yêu cầu tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm trước ngày 18/4/2014 gửi tới ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa nhưng ông Minh và bà Thoa không thực hiện.
Sau đó, đến ngày 5/9/2014, VPBank AMC đã có Thông báo số 2246/2014/TB-VPBAMC về việc sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm sau ngày 20/9/2014 gửi tới ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa.
Tiếp đến, ngày 26/2/2015, VPBank AMC đã có Thông báo số 589/2015/TB-VPBAMC về việc xử lý tài sản bảo đảm gửi tới ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa.
Gần đây nhất, ngày 10/3/2015, VPBank AMC đã gửi Thông báo số 723/2015/TB-VPBAMC về việc xử lý tài sản bảo đảm tới ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa thông báo về thời gian, địa điểm, thành phần dự kiến tham gia sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau các thông báo trên, đến ngày 17/3, VPbank AMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là Phòng 1401, Tòa nhà 17T2, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính của ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa.
Theo đại VPbank, thành phần tham gia buổi thu giữ gồm các cán bộ thu hồi nợ của VPbank AMC, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện UBND phường Trung Hòa và đại diện Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Tại thời điểm thu giữ, ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Phương Thoa không có ở nhà, cửa khóa, cán bộ VPBank AMC đã gọi điện cho ông Minh yêu cầu ông Minh về chứng kiến việc thu giữ, nhưng ông Minh nói dối là đang ở TP Hồ Chí Minh, đến tháng 5/2015 mới về.
Cửa căn hộ 1401, toàn nhà 17T2 bị lắp thêm chốt ngoài, dán niêm phong và thông báo của VPbank (Ảnh: Báo Lao Động) |
Không giữ người trái luật
“Sau nhiều lần gõ cửa và thông báo vào bên trong tài sản bảo đảm nhưng không có tiếng trả lời, cửa khóa, nên đại diện VPbank đã thực hiện việc niêm phong tài sản bảo đảm bên ngoài với sự chứng kiến của tổ trưởng tổ dân phố, đại diện UBND Trung Hòa và đại diện Công an phường Trung Hòa, không tiến hành vào trong nhà. Việc niêm phong tài sản bên ngoài được lập thành biên bản với đủ chữ ký của tổ trưởng dân phố, đại diện UBND và Công an phường Trung Hòa, đồng thời được quay camera đầy đủ” - Đại diện VPbank cho biết.
Sau đó, đến chiều cùng ngày (17/3), ông Nguyễn Sỹ Minh xuất hiện tại căn hộ (mặc dù trước đó nói là đang ở TP Hồ Chí Minh) và thông báo là trong nhà có 1 người giúp việc đang ngủ, nên cán bộ VPBank AMC cùng tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ CA phường Trung Hòa đã mở niêm phong để cho người này ra ngoài, cán bộ VPBank AMC tiếp tục niêm phong lại tài sản và cử 2 nhân viên bảo vệ trông giữ bên ngoài căn hộ 24/24h.
Về việc ông Nguyễn Sỹ Minh làm đơn tố giác ra Công an phường Trung Hòa và Công an quận Cầu Giấy về việc cán bộ VPbank cưỡng đoạt tài sản của ông Minh, giữ người trái pháp luật, đại diện của VPbank quả quyết: “Chúng tôi xin khẳng định rằng cán bộ của chúng tôi không thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, giữ người trái pháp luật. Việc thu giữ tài sản đã được chúng tôi thực hiện theo đúng thủ tục luật định, có thông báo trước cho ông Sỹ Minh và chính quyền địa phương, khi thu giữ có sự chứng kiến của Tổ trưởng dân phố, cán bộ UBND phường, cán bộ Công an phường Trung Hòa. Khi biết được có người đang ở trong căn hộ, chúng tôi đã cùng chính quyền địa phương ngay lập tức mở cửa cho người này ra ngoài, trong biên bản người này thể hiện rõ là mình không bị giữ trong nhà, hoàn toàn không có việc chúng tôi giữ người trái phép như vu khống của ông Nguyễn Sỹ Minh”.
Nhân viên VPbank đứng trước cửa căn hộ 1401 nhà 17T2. (Ảnh: Báo Lao Động) |
Tại Công an quận Cầu Giấy, ông Nguyễn Sỹ Minh đề nghị được nhận lại căn hộ và đại diện VPbank AMC đồng ý tạo điều kiện cho ông Minh được tiếp tục ở tạm trong căn hộ cho đến khi Ngân hàng chính thức xử lý tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sau đó ông Minh không đồng ý nhận lại căn hộ với lý do cần kiểm kê tài sản bên trong căn hộ, dù cán bộ VPbank AMC đã giải thích rằng cán bộ VPbank AMC chỉ niêm phong bên ngoài, cửa khóa, không có bất kỳ cán bộ VPbank AMC nào vào bên trong căn hộ. Bởi vậy, hiện tại căn hộ vẫn được niêm phong và VPbank AMC cử nhân viên bảo vệ trông giữ tài sản 24/24h.
“VPbank xin khẳng định đã làm đúng phận sự và trách nhiệm của mình, trong khi khách hàng đã “bẫy” VPbank trong việc cử người “cố thủ” ở trong nhà và vu khống VPbank giam giữ người” - Đại diện VPbank nhấn mạnh.
Trước đó, một số báo đưa tin ngày 17/3, VPbank cử cán bộ ngân hàng đến căn hộ 1401 tòa nhà 17T2 khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính của vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Minh để lắp thêm khóa, dán niêm phong, thu giữ căn hộ nhằm siết nợ cho ngân hàng do khách hàng này đã nợ quá hạn.
Liên quan đến vụ việc này, một số luật sư trả lời trên báo Đầu tư chứng khoán cho rằng, khi vay nợ ngân hàng, khách hàng thế chấp tài sản nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm này để thu hồi tiền cho vay khi khách hàng không trả được nợ. Tuy nhiên, cụ thể việc xử lý như thế nào thì phải tuân thủ quy định của pháp luật, chứ không thể đương nhiên đến nhà người ta, lắp khóa, dán niêm phong. Trong trường hợp hợp đồng vay tài sản, bên nợ không trả được thì ngân hàng phải đưa ra tòa án để có phán quyết. Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật, mà bên nợ tiếp tục không trả nợ thì mới bán đấu giá tài sản. Nếu bán đấu giá tài sản không được, không ai mua, thì khi đó mới giao tài sản thế chấp cho chủ nợ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.