Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đang giảm dần

Hà Phong| 18/04/2012 16:11

(HNMO) - Ngày 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Kết quả cho thấy, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, góp phần từng bước giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho nhiều địa bàn, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung khắc phục.

Phiên họp thứ bảy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. - Ảnh: VNA


Theo phản ánh của hầu hết bộ, ngành, địa phương, mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% yêu cầu. Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng so với tỷ lệ trên 70% dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn (số vốn tín dụng Nhà nước đã đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn mới đạt gần 25% tổng số vốn tín dụng Nhà nước đã đầu tư cho nền kinh tế). Vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất thấp và theo xu hướng giảm dần. Tính chung cả thời kỳ 1990-2010, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới thu hút được khoảng 738 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,3 tỷ USD, chiếm 2,3% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Trong khi đó, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Hiện các hợp tác xã nông nghiệp chưa được tạo điều kiện giao đất để xây dựng trụ sở làm việc, nhà kho, cơ sở dịch vụ phát triển sản xuất kinh doanh và khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình xúc tiến thương mại vì các thủ tục hành chính rất phức tạp. Việc khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trong Luật Đất đai đã hạn chế việc mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Một cản ngại khác là Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các ban quản lý chợ (đối với các loại chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư) sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh nên các địa phương đang rất lúng túng trong việc thực hiện. Các quy định về công tác giải phóng mặt bằng chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai (khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế) và quyền của người dân có đất bị thu hồi. Theo pháp luật hiện nay, địa phương khi thu hồi đất của các đối tượng doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng sử dụng không đúng mục đích, chuyển nhượng, cho thuê trái pháp luật phải tiến hành đền bù, bồi thường phần tài sản đã đầu tư trên đất nhưng ngân sách lại không có khả năng đáp ứng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nhóm cận nghèo rất đông là đặc điểm của dân cư nông thôn Việt Nam. Nhà nước cần có thêm những chương trình hướng đến nhóm đối tượng này để họ thực sự thoát nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đang giảm dần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.