Chưa bao giờ thực trạng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là thực phẩm chức năng - liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người - lại trở nên đáng báo động như hiện nay.
Đáng buồn, nhiều vụ hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ, nhiều “hang ổ” đã bị triệt phá, song trên khắp các trang mạng xã hội cũng như các chợ, cửa hàng, đại lý, thực phẩm chức năng chất lượng kém như “vòi bạch tuộc” vẫn len lỏi xâm hại con người.
Hậu quả khôn lường
Đối tượng mua thực phẩm chức năng thường tập trung vào người già, cao tuổi để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, hậu quả sẽ khôn lường nếu người già nhiều bệnh tật lại uống phải các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng giả.
Ví dụ, bà Phan Thị Minh, 70 tuổi, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) nghe quảng cáo trên mạng, không tham khảo ý kiến con cái đã mua trọn gói 2 sản phẩm thuốc hỗ trợ đau dạ dày giá 2,5 triệu đồng, tặng kèm một hộp đông trùng hạ thảo, một hộp nấm linh chi, một hộp bổ gan. Khi nhận hàng, con gái bà Minh kiểm tra, tra cứu giá và chất lượng sản phẩm thì đều là hàng trôi nổi, không có mã kiểm tra hàng thật giả, cũng không có tên công ty.
Hay như bà Nguyễn Thị Quỳnh, 60 tuổi, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) tin theo quảng cáo trên mạng về thực phẩm chức năng Glucosamin chữa đau xương khớp nên đã cùng một vài người hàng xóm mua thuốc. Thời gian đầu uống thuốc, bà Quỳnh cũng giảm nhanh các triệu chứng đau nhức xương, nhưng không lâu sau khuôn mặt bà bỗng sưng phù nề, mí mắt sụp, chân tay sưng do giữ nước. Quá lo lắng, bà Quỳnh đến khám tại bệnh viện, bị chẩn đoán suy thượng thận.
Tìm hiểu việc bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, phóng viên nhận thấy, đa phần các sản phẩm chỉ nói về công dụng và thương hiệu của sản phẩm, còn nguồn gốc thì không đề cập. Nhiều sản phẩm không có thông tin công bố quy chuẩn kỹ thuật, công bố hợp quy. Hầu hết các sản phẩm được quảng cáo là nhập khẩu đều không có tem nhãn phụ, mã vạch.
Cụ thể, cùng là viên uống giảm nám, trắng da Dr Lacir Glutathione 600 nhưng trên trang Google có hàng chục loại với giá khác nhau, từ khoảng 250.000 đồng tới 850.000 đồng/lọ, hầu hết chỉ giới thiệu công dụng sản phẩm mà không có nguồn gốc xuất xứ.
Liệu có chặn được vi phạm?
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp. Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389) đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, không nguồn gốc xuất xứ... nhất là thực phẩm chức năng. Trong tháng 9-2023, các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm, nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới để xử lý vi phạm.
Số liệu từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội trong 7 tháng của năm 2023 cho thấy, Cục đã kiểm tra, xử lý 380 vụ liên quan đến các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Trong đó, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng được lực lượng quản lý thị trường phát hiện qua theo dõi việc kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, qua tin báo.
Điển hình, tại điểm kinh doanh hàng hóa Tòa nhà Time Coffee, số 117 Lai Xá (huyện Hoài Đức), hàng trăm hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady hỗ trợ săn chắc vòng ngực; Vinslim V3 hỗ trợ tăng cường chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giảm béo; Collagen Firming Sleeping Mark bị thu giữ do chủ hàng không xuất trình hóa đơn, chứng từ liên quan. Một ví dụ khác là vụ việc tạm giữ 112 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vinslim V3 là hàng giả của Công ty TNHH GENIX (huyện Thanh Oai) có giá trị trên 5,6 tỷ đồng...
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Việt Nga cho biết, mới đây Bộ Y tế đã đề xuất các bộ, ngành liên quan có biện pháp siết chặt việc cấp giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị, tổ chức. Đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử, Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ phối hợp tăng cường quản lý chặt chẽ, xử lý, công khai danh sách các đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm...
Hiện nay, có nhiều cảnh báo để người tiêu dùng tránh mua phải hàng trôi nổi. Mỗi sản phẩm bán ra thị trường đều được dán tem mã vạch riêng, người mua có thể kiểm chứng nguồn gốc trước khi nhận hàng thông qua phần mềm Barcode Scaner để kiểm tra mã vạch sản phẩm.
Khi mua sản phẩm chính hãng, người tiêu dùng nên quét mã UPC, nếu không có thông tin thì nên tránh mua. Đồng thời, người dân cần tố giác đến các cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở, trang mạng bán sản phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc. Đó chính là một trong những cách thức hữu hiệu góp phần đẩy lùi hành vi gian lận thương mại đang len lỏi khắp nơi như "vòi bạch tuộc".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.