(HNM) - Mấy ngày qua, các y, bác sĩ công tác tại Khoa Điều trị nội trú, thuộc Trung tâm Da liễu Hà Đông (Hà Nội) liên tục gọi điện tới Báo Hànộimới phản ảnh tình trạng hộ lý tại khu điều trị bệnh nhân nặng đã quá vô cảm, thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc bệnh nhân.
Bắt bệnh nhân nặng ăn gạo sống, tự phục vụ
Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Yến, 69 tuổi, ở xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai mắc bệnh phong nặng (hiện chân, tay bà đã bị trực khuẩn Hansen - di chứng của bệnh phong ăn cụt), vừa mắc bệnh Parkinson - run chân tay, nói như khóc: "Từ bé tới giờ tôi đã phải sống và điều trị ở các trại phong nhưng chưa bao giờ bị đối xử tệ như hai năm trở lại đây". Còn bà Đặng Thị Le, quê ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ sống cùng phòng và là người lo nấu cơm cho bà Yến ngày 4-5 cho biết: Hôm đó vào khoảng 10 giờ, thấy chị hộ lý vào chia gạo và thức ăn còn sống cho bệnh nhân, tôi hỏi sao nay lại chia gạo và thức ăn sống hả chị? Chị hộ lý trả lời là hết chất đốt, các bệnh nhân lo nấu cơm giúp. Được giao là nhóm trưởng bệnh nhân nặng (hầu hết các bệnh nhân không còn khả năng tự phục vụ) tôi hỏi chị hộ lý: Chúng tôi chân tay đều cụt cả, nhiều cụ mắt đã mù nấu sao được cơm. Hết gas thì các chị mượn xoong nồi nấu cơm bếp củi giúp các cụ già với. Ngay lập tức chị hộ lý trả lời: "Không mượn được xoong, nồi", rồi đi thẳng.
Bị cụt cả tứ chi nhưng hằng ngày cụ Vũ Thị Bớt, 90 tuổi vẫn phải lê đi rửa bát, tắm giặt. |
Đối với cụ Vũ Thị Bớt, 90 tuổi, quê xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín thì ngày 4-5 là ngày "cực khổ nhất" kể từ khi cụ sinh ra đến nay. Trong uất ức, cụ nghẹn ngào khi chúng tôi hỏi về việc chăm sóc, đối xử của các hộ lý đối với bệnh nhân trong khu điều trị này: "Theo quy định, bệnh nhân phong nặng như chúng tôi khi vào điều trị được chăm sóc từ A đến Z (từ chăm sóc ăn, uống đến vệ sinh, tắm, giặt hằng ngày) nhưng ở đây lại không thế. Tay chân tôi đều đã cụt, nhưng mọi sinh hoạt hằng ngày như tắm giặt, rửa bát, quét nhà, đi vệ sinh... tôi đều phải tự lo. Tôi đã từng điều trị ở các trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An), Hà Bắc (Bắc Ninh) và từ năm 1969 đến nay điều trị tại đây nhưng không đâu tồi tệ như thế này. Già rồi, chẳng làm được gì, chỉ biết khóc ngấm khóc ngầm". Quá bức xúc, bệnh nhân Bùi Văn Hữu, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng ở phòng kế bên góp lời: Nhiều hôm thấy cụ Bớt lết đi tắm mà xót quá. Cũng muốn giúp cụ nhưng chân tôi đứng cũng không vững nên chẳng thể làm gì được. Cụ tắm xong mà quần áo bẩn hơn khi chưa tắm, ai thấy cũng ái ngại. Và không chỉ có cụ Bớt, nhiều bệnh nhân mắt mờ, thậm chí không nhìn thấy gì vẫn phải tự tắm rửa, quét nhà…
Y tá điều dưỡng Trần Thị Bắc và y sĩ Phạm Thị Thủy- những người chứng kiến toàn bộ việc chia gạo và thức ăn sống cho các bệnh nhân nặng cũng khẳng định: Khoảng 10 giờ ngày hôm đó, khi chúng tôi xuống kiểm tra tại các phòng bệnh thấy các bệnh nhân ở đây kêu khóc, than khổ. Hỏi ra mới biết cả 21 bệnh nhân nặng tại đây vừa được hộ lý chia gạo và thức ăn sống. Biết vụ việc, hai chị em chúng tôi đã gọi điện trực tiếp cho ông Vũ Văn Trình, Phó Giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Đông, phụ trách trực tiếp tại khoa báo cáo sự việc thì ông Trình chỉ trả lời một câu "Tôi biết rồi!" và tắt máy luôn.
Quá nhiều sai phạm chưa được giải quyết
Tìm hiểu tại Khoa Điều trị nội trú, chúng tôi còn được biết thêm rất nhiều khuất tất trong quá trình quản lý, điều hành, chi tiêu tài chính của khoa diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa một lần được giải quyết, gây bức xúc. Theo y tá điều dưỡng Trần Thị Bắc, không chỉ có thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm đối với bệnh nhân, một số hộ lý tại khoa còn tự ý bỏ trực trong tháng 3 vừa qua; bỏ bệnh nhân đang điều trị cấp cứu bất chấp yêu cầu của trưởng kíp trực. Trước hành vi vi phạm nội quy của khoa, các y, bác sĩ tại đây đã kiến nghị lên Trưởng khoa và Ban Giám đốc Trung tâm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Về việc này, bà Nguyễn Thị Thảo, nguyên Giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Đông (vừa được Sở Y tế Hà Nội điều chuyển công tác vào ngày 4-5-2012) thừa nhận là có thật.
Các bệnh nhân nặng còn cho chúng tôi biết thêm, đã gần giữa tháng 5-2012, nhưng 90 bệnh nhân của khoa vẫn chưa được cấp quần áo của năm 2011, nhiều tháng nay, ngoài thuốc điều trị cho bệnh phong và thuốc điều trị bệnh nhân có bệnh nặng, hầu hết bệnh nhân trong khoa không nhận được một viên thuốc nào để điều trị các bệnh thông thường như thuốc giảm đau, huyết áp... Bà Nguyễn Thị Mùi, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ cho biết: "Đợi mãi chẳng thấy khoa cấp cho quần áo, chúng tôi đành vay tiền nhau mua áo mặc vậy. Xương khớp đau nhức mỏi, đau đầu, đau mắt... nhưng xin mãi chẳng được thuốc nên cắn răng chịu đựng cơn đau hành hạ...".
Qua tìm hiểu tại Khoa Điều trị nội trú, chúng tôi được biết thêm nhiều thông tin như: Một số bệnh nhân mất lâu ngày chưa được kiểm thảo tử vong theo quy định; chuyện ăn bớt tiền mai táng phí của bệnh nhân qua đời; một số cán bộ, nhân viên Trung tâm Da liễu Hà Đông có hành vi lập khống hồ sơ, chứng từ để hợp thức việc cấp thuốc miễn phí cho các bệnh nhân như sổ khám bệnh, đơn thuốc, phiếu cấp thuốc miễn phí; đưa người không mắc bệnh phong vào danh sách bệnh nhân để được hưởng chế độ của bệnh nhân phong; khoa thường xuyên chậm trả các món nợ đối với đối tác khi mua sắm thuốc, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân tại khoa...
Được biết, trước những sai phạm của một số cán bộ, công nhân viên, người lao động tại Khoa Điều trị nội trú, từ năm 2007 đến nay, nhiều lá đơn tố cáo, đơn đề nghị của y, bác sĩ, bệnh nhân trong khoa đã được gửi đến các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Sở Y tế Hà Nội đề nghị giải quyết và xử lý cán bộ có hành vi sai phạm, tham ô tiền của Nhà nước. Sau khi nhận được đơn, Thanh tra TP, Sở Y tế Hà Nội, Công an quận Hà Đông... đã điều tra và kết luận rõ sai phạm của tập thể và một số cá nhân, đề nghị Trung tâm Da liễu Hà Đông, Khoa Điều trị nội trú giải quyết, nhưng đến nay tất cả vẫn… "nằm trên giấy".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.