(HNM) - Để thành công trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và để tránh bị tụt hậu, các quốc gia phải thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Hướng đến mục tiêu đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hợp tác triển khai chương trình hành động hỗ trợ chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.
Theo nội dung hợp tác này, VCCI tạo điều kiện thuận lợi để VNPT xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, kế hoạch và các dự án chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, VCCI phối hợp với VNPT tổ chức các khóa đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; giới thiệu các doanh nghiệp để VNPT tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp có nhu cầu. Hai bên cùng thống nhất đặt mục tiêu cao: Ứng dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện các khía cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...
Đây là minh chứng cụ thể cho việc VNPT phối hợp với VCCI tiên phong thực hiện cam kết giúp chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần vào tiến trình xây dựng nền kinh số và xã hội số của Việt Nam. Việc ký thỏa thuận này cũng cho thấy cả VNPT và VCCI cùng tiên phong triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ban hành ngày 27-9-2019.
Giới thiệu cụ thể về chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ông Phạm Đức Long - Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT phân tích: Có 3 yếu tố mà một doanh nghiệp chuyển đổi số cần, đó là hạ tầng số; số hóa hệ thống quản lý quản trị (phần mềm quản lý nhân lực, kế toán...); số hóa tư liệu sản xuất (áp dụng công nghệ vào sản xuất).
Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất đa dạng, nên không thể xây dựng một giải pháp chuyển đổi số cho tất cả doanh nghiệp. Do đó, VNPT với vai trò là tập đoàn hàng đầu về công nghệ tại Việt Nam, sẽ phải dẫn dắt, đưa ra giải pháp cho từng nhóm doanh nghiệp. Ví dụ như nhóm giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, VNPT dựa trên công nghệ IoT (internet kết nối vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), icloud (điện toán đám mây) để hỗ trợ các doanh nghiệp này chuyển đổi số...
Còn theo thông tin từ Ban Khách hàng doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone), hiện VNPT đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hóa hoàn toàn một doanh nghiệp. Đó là hệ thống xác thực và định danh điện tử (eKYC); hệ thống quản lý kho hàng (VNPT Inventory); hệ thống kế toán doanh nghiệp (VNPT FMS); hệ thống quản trị nguồn nhân lực (VNPT HRM); hệ thống quản lý kênh phân phối (VNPT DMS); chữ ký số; hóa đơn điện tử.
Các hệ thống này có thể triển khai cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và cả các tập đoàn, tổng công ty. Cũng theo đại diện VinaPhone, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã ký hợp tác với VNPT trong lĩnh vực này như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam...
Bên cạnh đó, để có thể triển khai những công nghệ mới nhất thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đi sau về công nghệ, VNPT đã tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Sumitomo và Nissho Electronics của Nhật Bản, Siemens của Đức hay Ericsson của Thụy Điển… Trên cơ sở các hợp tác đó, VNPT sẽ cùng các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các ứng dụng công nghệ 4.0. Tất cả những việc đó nhắm tới mục tiêu là tăng cường hàm lượng công nghệ mới trong dịch vụ số mà VNPT cung cấp ra thị trường và điều này sẽ tạo ra khác biệt về dịch vụ số của VNPT.
Cũng theo ông Phạm Đức Long, là tập đoàn kinh tế nhà nước, VNPT hiểu rõ vai trò của mình trong vận hội chung của đất nước trước làn sóng công nghệ 4.0. Vì vậy, VNPT quyết tâm thực hiện sứ mệnh mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định khi thăm và làm việc với Tập đoàn VNPT đầu năm 2019, đó là “VNPT phải giữ vai trò và vị trí dẫn dắt trong lĩnh vực triển khai xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số tại Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.