(HNM) - Khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, đã đem lại nhiều cơ hội về kinh doanh cho VNPT Hà Nội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức.
Theo ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc VNPT Hà Nội, việc đầu tiên của đơn vị là thực hiện đồng nhất mô hình tổ chức SXKD. Theo đó, toàn bộ Viễn thông Hà Tây và 4 xã của huyện Lương Sơn được tổ chức thành Công ty Điện thoại Hà Nội 3, trở thành đơn vị kinh tế trực thuộc VNPT Hà Nội; Trung tâm Viễn thông huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) trở thành một trung tâm viễn thông thuộc Công ty Điện thoại Hà Nội 1. Địa bàn mở rộng (hơn 3.300km2), từ đó có thêm mạng lưới, thêm nhân lực, đặc biệt tăng quy mô và tiềm năng thị trường, đó là những điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh, vì mật độ sử dụng dịch vụ VT-CNTT trên địa bàn Hà Nội mở rộng còn thấp so với địa bàn Hà Nội cũ và so với nhu cầu phát triển xây dựng của Thủ đô. Bên cạnh thuận lợi, khó khăn đặt ra cũng không ít. Cụ thể, mạng lưới của VNPT Hà Nội mới có sự không đồng bộ giữa khu vực Hà Nội (cũ) và Hà Nội mở rộng, dẫn đến việc khai thác, quản lý cũng như chăm sóc khách hàng trên địa bàn có nhiều bất cập. Với đặc điểm địa bàn rộng, dân cư thưa, nên việc đầu tư xây dựng mạng lưới viễn thông trong khu vực Hà Nội mở rộng để đồng bộ với mạng lưới hiện có là vấn đề khó, đòi hỏi đơn vị phải tính toán để có được hiệu quả đầu tư; nhiều khu vực, người dân chỉ sử dụng những dịch vụ thoại thông thường với mức cước thấp...
Mạng lưới viễn thông, công nghệ thông tin đến với các vùng miền núi. Ảnh: Hải Trần |
Trước những thuận lợi và khó khăn đó, ban lãnh đạo VNPT Hà Nội đã chỉ đạo việc xây dựng đồng bộ mạng lưới, nâng cao chất lượng mạng, hoàn thiện công tác quản lý, tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ, chăm sóc khách hàng; đồng thời xây dựng quy trình, quy định theo mô hình tổ chức sản xuất mới; nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành trên mạng lưới qua e-office, qua website của đơn vị. VNPT Hà Nội triển khai hàng trăm dự án nhằm nâng cao năng lực mạng lưới với mục tiêu xây dựng đồng bộ mạng lưới với khu vực Hà Nội cũ, trong đó có việc cáp quang hóa đến xã (hiện đạt hơn 70% xã có cáp quang) - đáp ứng và phục vụ yêu cầu về công tác chỉ đạo của thành phố đến các xã. Tại nhiều khu vực nông thôn, vùng xa nhất là địa bàn Hà Tây cũ, do truyền hình cáp chưa có, VNPT Hà Nội đã đẩy mạnh dự án MyTV cung cấp dịch vụ truyền hình để phục vụ nhu cầu của người dân xem được nhiều kênh truyền hình với chất lượng bảo đảm. Để đầu tư cho sau này, đơn vị cũng tập trung triển khai dự án cáp và thiết bị thông tin vào các khu công nghiệp để cung cấp dịch vụ như tại khu đô thị Ngô Thì Nhậm, Văn Quán, Văn Phú, Quất Động, Văn Khê, Xa La, Bắc An Khánh và Nam An khánh các trung tâm quận, huyện, thị xã. Các đơn vị cũng đẩy mạnh việc phát triển các dịch vụ viễn thông mới như internet tốc độ cao FiberVNN, Metronet, MegaVNN, truyền số liệu, Vinaphone, MyTV, các dịch vụ giá trị gia tăng trên địa bàn Hà Nội mở rộng…
Nói về công tác tổ chức, ông Nguyễn Bá Đức nhấn mạnh, với 4.500 CBCNV hiện có, bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm, chăm lo đời sống cho người lao động, thể hiện qua việc duy trì thu nhập ổn định và các chế độ chính sách, VNPT Hà Nội còn đào tạo tại chỗ nâng cao trình độ để người lao động đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật mới. Ngay sau khi sáp nhập (cuối năm 2008), các đơn vị của VNPT Hà Nội đã hoạt động ổn định; tổng doanh thu phát sinh đạt 2.503 tỷ đồng (gồm địa bàn Hà Nội cũ và thực hiện quý IV của địa bàn mới), bằng 100,9% kế hoạch giao. Năm 2009, đơn vị đã đạt kết quả đột phá, với doanh thu phát sinh đạt 3.340 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2008; đáng chú ý, thuê bao internet đạt mức tăng trưởng cao, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2008, nâng thị phần thuê bao MegaVNN lên 57%...
Sau 5 năm sáp nhập, doanh thu phát sinh hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch được giao (năm 2012 đạt 6.109 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2008). Với những thành tích xuất sắc trong SXKD năm 2008-2012, VNPT Hà Nội đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó năm 2010 đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì… Hằng năm, VNPT Hà Nội đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, phục vụ tốt các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn: Bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, chính quyền diễn ra trên địa bàn; bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ tốt công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; hỗ trợ về kỹ thuật phục vụ công tác giao ban trực tuyến của TP Hà Nội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.