(HNMO)- Năm học 2013-2014- năm học thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại bậc tiểu học...
Mô hình trường học mới (VNEN) là kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại. Mô hình này dựa trên kết quả và thành tựu đổi mới giáo dục của quốc tế; vận dụng cách làm của giáo dục Colombia một cách sáng tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Mô hình này đã được UNICEF, UNESCO, Ngân hàng Thế giới (WB) ủng hộ và đánh giá cao.
Theo Bộ GD&ĐT, mô hình VNEN tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, tạo không khí học tập nhẹ nhàng, thân thiện; giáo viên phải tự trau dồi, nâng cao trình độ; học sinh sẽ không học thụ động mà bắt buộc phải có sự trao đổi, tư duy với giáo viên và các bạn cùng lớp, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả tiếp nhận đối với học sinh.
Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên hiệp quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD giai đoạn 2011-2015. Năm học 2012-2013 là năm học thứ hai, mô hình VNEN được Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước đó, năm học 2011-2012, đã được triển khai thí điểm tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk).
Tại TP Hà Nội, năm học 2012-2013, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chọn trường tiểu học Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) triển khai thí điểm mô hình này. Trên thực tế, trường tiểu học Tả Thanh Oai là trường đạt chuẩn quốc gia từ năm học 2011-2012, với cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học khá đầy đủ và hiện đại; tập thể ban giám hiệu và giáo viên nhà trường nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm với công việc.
Ông Đào Tân Lý, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết, trước khi triển khai áp dụng mô hình VNEN tại trường tiểu học Tả Thanh Oai, giáo viên dạy lớp thử nghiệm được tập huấn cơ bản; đồng thời vì là mô hình mới nên lãnh đạo và chuyên viên Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, tận tình tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Học sinh lớp 3 trường tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) học nhóm tại lớp theo mô hình VNEN |
Nhớ lại ngày đầu bắt tay vào triển khai mô hình thí điểm VNEN, Hiệu trưởng trường tiểu học Tả Thanh Oai Nguyễn Thị Nga cho biết: “Nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo mô hình (gồm: ban giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn nhà trường và một vị đại diện cha mẹ học sinh). Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện mô hình trường học mới của cả năm học và từng tháng”. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo đổi mới hoạt động sư phạm với phương châm: “Chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của học sinh; quá trình tự học, tự giáo dục là trung tâm của hoạt động giáo dục”. Để việc thí điểm mô hình đạt hiểu quả, nhà trường đã coi trọng việc bồi dưỡng giáo viên theo hướng tự học, tự bồi dưỡng, tự làm đồ dùng dạy học, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp qua sinh hoạt chuyên môn. Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng tài liệu hướng dẫn học tập để tự học, tự đánh giá; tổ chức cho học sinh hoạt động khám phá, phát hiện kiến thức, kỹ năng mới thông qua quá trình học tập mang tính hợp tác. Giáo viên chỉ hỗ trợ và hướng dẫn học sinh khi cần thiết. Ban giám hiệu cùng sinh hoạt chuyên môn với các giáo viên lớp thực nghiệm, dự giờ, khảo sát kết quả, nghiên cứu tài liệu tập huấn, sách hướng dẫn học các môn của học sinh để nắm bắt và chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm lớp gắn kết chặt chẽ với phụ huynh và cộng đồng nhằm phát huy vai trò tích cực của họ trong việc tham gia các hoạt động giáo dục học sinh với nhiều hình thức hoạt động phù hợp.
Sau năm học 2012-2013 thực hiện mô hình thí điểm VNEN tại trường tiểu học Tả Thanh Oai, theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh tự tin, không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng, thân thiện, giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn và kết quả học tập, chất lượng giáo dục bước đầu được cải thiện. Cụ thể, giáo viên đã linh hoạt hơn trong việc tổ chức cho học sinh học tập tài liệu. Mặc dù giáo viên không còn phải soạn bài, nhưng có ý thức nghiên cứu tài liệu học tập, điều chỉnh một số hoạt động cho phù hợp với đối tượng học sinh; làm đồ dùng dạy học để giúp học sinh có phương tiện học tập tốt hơn. Thêm vào đó, giáo viên làm quen với cách tự học, tự tra cứu thông tin để đáp ứng yêu cầu của bài học, không phụ thuộc vào sách hướng dẫn như trước kia. Từ đó, tạo điều kiện, cơ hội để giáo viên và ban giám hiệu có khả năng linh hoạt, sáng tạo trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo con người.
Còn với các em học sinh khi áp dụng mô hình thực nghiệm này, tại các lớp học đã hành lập hội đồng tự quản của lớp, bước đầu các em đã biết làm quen với nhiệm vụ của mình. Đáng ghi nhận là đã phát triển năng lực tự học cho học sinh (đây được coi là điểm mới của học sinh học lớp VNEN hơn hẳn các lớp không học theo mô hình này): Học sinh có nhiều cơ hội độc lập suy nghĩ, bộc lộ ý kiến riêng khi làm việc cá nhân và có nhiều cơ hội phát huy năng lực hợp tác khi học nhóm, được tranh luận, tự đánh giá bản thân và đánh giá các bạn. Học sinh đã quen với học nhóm; tự điều khiển hoạt động trong nhóm với thói quen làm việc theo 10 bước học tập (biết đọc mục tiêu, đọc yêu cầu và tự trả lời câu hỏi, tự làm bài tập và tự đánh giá tiến độ học của mình trên phiếu...), từ đó đã giúp học sinh có ý thức thể chủ động hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào thầy, cô giáo. Nhiều em học sinh đã thể hiện được khả năng của mình khi điều khiển và có thể hướng dẫn các bạn khác học, thay cho việc tổ chức hướng dẫn của cô giáo như trước đây. Một điều dễ nhận thấy, đó là học sinh đã mạnh bạo, linh hoạt và sáng tạo hơn trong học tập, tư duy độc lập và phát hiện kiến thức mới.
Lớp học thực nghiệm mô hình VNEN tại trường tiểu học Tả Thanh Oai được trang trí rất sinh động theo chủ để hàng tháng |
Theo cô Nguyễn Thị Nga, sau một năm triển khai thí điểm mô hình VNEN, không chỉ có thầy, cô giáo và học sinh nhà trường mà ngay cả phụ huynh học sinh (PHHS) cũng có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, như họ đã biết được con học gì, học như thế nào, từ đó giúp con nhiều hơn trong việc liên hệ, ứng dụng kiến thức học được vào cuộc sống (cha mẹ là giáo viên thực hành). Nhà trường được PHHS các lớp VNEN đồng tình ủng hộ, không còn băn khoăn, lo lắng; ban đại diện PHHS các lớp luôn tạo điều kiện tối đa để cùng phối hợp, kết hợp với nhà trường giáo dục học sinh, trong đó có việc tăng cường cơ sở vật chất để trang trí lớp học, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh học tập.
Trên thực tế, các lớp học thực nghiệm mô hình VNEN tại trường tiểu học Tả Thanh Oai năm học vừa qua và năm học 2013-2014 này, được trang trí theo chủ đề tháng rất sinh động, đẹp và vui mắt; xây dựng góc học tập, góc thư viện, góc văn hóa địa phương, bản đồ dân cư, trưng bày các bài viết, vẽ... của học sinh nên các em rất yêu thích lớp học và có ý thức giữ gìn, trang trí lớp học của mình tốt hơn.
Sẽ là mô hình trong tương lai
Từ kinh nghiệm rút ra sau một năm thí điểm tại trường tiểu học Tả Thanh Oai, năm học 2013-2014, TP Hà Nội đã quyết định triển khai nhân rộng mô hình trường học mới VNEN tại 50 trường tiểu học trên địa bàn 15 quận, huyện. Trong đó, huyện Thanh Trì triển khai tại 18 trường, riêng trường tiểu học Tả Thanh Oai áp dụng tại tất cả các khối lớp 2, 3 và 4.
Cô Nguyễn Thị Nga chia sẻ những khó khăn, hạn chế mà 4 lớp học (2 lớp khối lớp 2 và 2 lớp khối lớp 3) theo mô hình thực nghiệm VNEN của nhà trường gặp phải trong năm học vừa qua, đó là đây là cách dạy và học mới nên khiến giáo viên và học sinh không khỏi bỡ ngỡ, nhất là đối với giáo viên do vẫn còn quen với phương pháp dạy học truyền thống nên khả năng tổ chức hoạt động nhóm, kiểm tra, hướng dẫn và theo dõi tiến độ học tập của học sinh còn bị hạn chế; giáo viên vẫn phải bổ sung làm việc cả lớp cho từng hoạt động để khai thác mở rộng và khắc sâu kiến thức cho từng học sinh. Đối với học sinh, chưa thành lập được hội đồng tự quản dưới hình thức tranh cử; một số học sinh còn nhút nhát nên chưa thể thay đổi nhóm trưởng luân phiên trong cả nhóm (nhất là đối với lớp 2) theo như đòi hỏi của mô hình.
Năm học vừa qua, do không có tài liệu sách giáo viên nên giáo viên phải chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy và phải mất nhiều thời gian điều chỉnh thời gian học, nghiên cứu sách và ghi nhật ký sau khi dạy. Bên cạnh đó, còn một khó khăn, hạn chế nữa trong năm học vừa qua, đó là đầu năm học, tài liệu và đồ dùng dạy học, sách giáo khoa cung cấp chưa kịp thời; mô hình trang trí lớp học do nhà trường tự nghiên cứu và thiết kế; giáo viên phải làm nhiều đồ dùng dạy học theo chủ đề tháng, in phiếu bài, bảng theo dõi tiến độ của học sinh hàng ngày... nên mất rất nhiều thời gian.
Học sinh chủ động trang trí góc học tập tại lớp học |
Năm học 2013-2014 là năm học thứ ba Bộ GD&ĐT triển khai thực nghiệm mô hình VNEN trong cả nước nên những hạn chế nêu trên đã được khắc phục. Tuy nhiên, từ thực tế tại trường tiểu học Tả Thanh Oai (mặc dù đã là trường chuẩn quốc gia) cho thấy, vẫn còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất không thể “một sớm, một chiều” mà khắc phục được ngay. Trước hết, diện tích lớp học nhỏ, sĩ số học sinh lại đông nên việc trang trí góc học tập, góc cộng động... chưa được như mong muốn; đồng thời, 5-6 học sinh/nhóm và 6 nhóm/lớp nên việc kiểm tra việc tự lập kế hoạch hoạt động nhóm của học sinh bị hạn chế. Bên cạnh đó, bàn ghế chưa đúng quy định của lớp học theo mô hình VNEN, cụ thể là ghế phải tách rời bàn, nhưng hầu hết vẫn là ghế gắn liền với bàn học nên rất khó khăn cho học sinh, nhất là các em học sinh lớp 2 trong việc di chuyển và kê bàn ghế để thực hiện học nhóm.
Một khó khăn nữa mà bất cứ trường tiểu học nào cũng sẽ gặp phải khi triển khai thực nghiệm mô hình VNEN, đó là học sinh từ lớp 1 lên lớp 2 khả năng điều hành của nhóm trưởng chưa tốt, chưa quen với việc tự nghiên cứu, tự rút ra bài học nên phải mất nhiều thời gian để giáo viên hướng dẫn học sinh ở những tháng đầu năm học mới. Cô giáo Hoàng Thị Việt Hạnh- hiện đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 3, trường tiểu học Tả Thanh Oai (năm học 2012-2013 là giáo viên dạy lớp 2 thực nghiệm mô hình VNEN) cho biết: Năm học trước, trường tiểu học Tả Thanh Oai mới thí điểm 2 lớp của khối lớp 2. Bước vào năm học này, tất cả các lớp của khối lớp 3 đều thực nghiệm mô hình VNEN nên rất nhiều học sinh năm trước chưa được học theo mô hình mới, do vậy các em không khỏi bỡ ngỡ, cần có thời gian để các em làm quen. “Bởi vậy, dù các học sinh trong lớp đã tự bầu ra được hội đồng học tập, các nhóm học tập nhưng cũng phải mất một vài tháng đầu năm học, các em học sinh trong lớp tôi mới có thể luân phiên đảm nhận trách nhiệm làm nhóm trưởng học tập để giúp các em có được sự tự tin, hoạt bát như mục tiêu của mô hình VNEN đề ra”.
Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”! Cô Nguyễn Thị Nga chia vui: “Bước vào năm học mới 2013-2014, nhà trường đã đón nhận được những tín hiệu vui, mà trước tiên phải kể sự hỗ trợ tích cực của các PHHS trong việc cùng giáo viên và nhà trường làm đồ dùng học tập, trang trí lớp học... Hơn thế, PHHS đã kết hợp chặt chẽ với các giáo viên khối lớp 2 để rèn kỹ năng đọc trôi chảy và kỹ năng nói cho học sinh, tạo điều kiện cần thiết nhất cho học sinh tự tham gia các nhóm”. Từ những kết quả đạt được thời gian qua, nhiều chuyên gia giáo dục, các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh tin rằng, VNEN sẽ là mô hình trường học tương lai ở nước ta sau giai đoạn thí điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.