Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH) đối với một giống ngô biến đổi gen mang đặc tính kháng sâu đục thân châu Á, đưa tổng số ngô chuyển gen được cấp chứng nhận ATSH ở nước ta lên 4 sự kiện.
Lần này, Giấy chứng nhận ATSH đã được cấp cho ngô biến đổi gen mang sự kiện Bt11 kháng sâu đục thân ngô châu Á của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận ATSH cho 4 sự kiện ngô biến đổi gen (Ảnh: V.D) |
Theo Bộ TN&MT, quá trình đánh giá, thẩm định hồ sơ sự kiện Bt11 đã được thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy chứng nhận ATSH đối với cây trồng biến đổi gen.
Bộ TN&MT quyết định cấp Giấy chứng nhận ATSH cho giống ngô biến đổi gen mang sự kiện Bt11 sau 02 phiên họp thẩm định đánh giá hồ sơ của Hội đồng ATSH, bên cạnh đó hồ sơ cũng đã được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng bởi các nhà khoa học trong Tổ chuyên gia, những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan.
Giấy chứng nhận ATSH vừa được cấp cho giống ngô biến đổi gen mang sự kiện Bt11 đã yêu cầu tổ chức được cấp Giấy chứng nhận phải tổ chức quản lý, giám sát an toàn sinh học và định kỳ 01 lần/năm báo cáo bằng văn bản về thời gian, địa điểm và diện tích đã phóng thích ngô biến đổi gen gửi tới Bộ TN&MT.
Đồng thời khi xuất hiện các thông tin khoa học mới về rủi ro, tác động bất lợi hoặc khi xảy ra sự cố đối với môi trường và đa dạng sinh học của ngô biến đổi gen mang sự kiện Bt11 tại Việt Nam, cần kịp thời báo cáo Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị quản lý có liên quan và khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục các sự cố xảy ra.
Trước khi được cấp Giấy chứng nhận ATSH tại Việt Nam, ngô biến đổi gen mang sự kiện Bt11 đã được 10 quốc gia phê chuẩn cho phép phóng thích vào môi trường: Hoa Kỳ (1996), Canada (1996), Argentina (2000); Nhật Bản (2002); Nam Phi (2003); Uruguay (2004); Phillipines (2005); Brazil (2007); Colombia (2008); Paraguay (2012). Các quốc gia đã cấp phép đều khẳng định ngô biến đổi gen mang sự kiện Bt11 không gây tác động bất lợi đến môi trường, đa dạng sinh học và được phép canh tác như giống thông thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.