(HNMO) – Ông Greig Craft – Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á cho biết: Trong giai đoạn 2011 – 2020, Liên hợp quốc đã thống nhất là Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ.
Theo đó, những chương trình giáo dục về an toàn giao thông như Hướng dẫn lái xe an toàn và thân thiện với môi trường (do Công ty Ford Việt Nam phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Quỹ phòng chống thương vong châu Á và kênh VOV thực hiện đến lần thứ 4) sẽ cung cấp các hoạt động cụ thể và được giới thiệu trên toàn thế giới vào ngày 11/5 này.
Ông Greig Craft cũng nhận định: Tại Việt Nam, môi trường giao thông hiện vẫn hỗn loạn và nguy hiểm, điều đó phần nào được tạo thành do thái độ coi thường luật giao thông một cách khá ngang nhiên của người tham gia giao thông. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông đường bộ, hơn 75% là do lỗi của con người; những hàng vi điển hình như lái xe ô tô quá tốc độ, uống rượu khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm đã khiến cho tỷ lệ tử vong và tỷ lệ thương tật do tai nạn giao thông tại Việt Nam tăng cao. Hơn thế nữa, những lái xe thường thiếu tôn trọng luật giao thông cơ bản, chẳng hạn như dừng xe nhường đường cho người đi bộ, sử dụng tín hiệu đèn rẽ và tuân theo đèn giao thông.
Bên cạnh đó, ông Greig Craft phân tích, ở Việt Nam, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất đối với những người ở độ tuổi 15 – 29 tuổi, đây thường là người lao động chính trong gia đình. Ngoài những mất mát về con người, tai nạn giao thông đường bộ còn gây ra những mối lo ngại rất lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, bởi tại bất kỳ thời điểm nào các nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông cũng chiếm đến khoảng 20 – 30% số giường bệnh. Tai nạn giao thông đường bộ cũng là một gánh nặng cho nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam, tiêu tốn đến 845 triệu USD/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.