Ấn Độ đã vượt qua Mỹ để trở thành “vua” phát tán thư rác (spam). Đáng chú ý, Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách 10 quốc gia phát tán thư rác lớn nhất thế giới.
Theo kết quả báo cáo vừa được hãng bảo mật Sophos đưa ra thì Ấn Độ đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có lượng phát tán thư rác nhiều nhất trên thế giới. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2012, 9,3% lượng thư rác trên Internet có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Trong khi đó, Mỹ, quốc gia thường xuyên nắm giữ “ngôi vương” trong việc phát tán thư rác đã tụt xuống thứ 2, với 8,3% lượng thư rác trên toàn cầu. Đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 5,7%.
Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia phát tán thư rác nhiều nhất thế giới. |
Đáng chú ý, Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách 10 quốc gia phát tán thư rác nhiều nhất thế giới, với vị trí thứ 10, chiếm 3,2% lượng thư rác phát tán.
Đa số thư rác được phát tán thông qua những máy tính đã bị xâm nhập bởi hacker hoặc bị lây nhiễm một loại mã độc nào đó, khiến cho máy tính bị chiếm quyền điều khiển và trở thành “máy tính ma” trong mạng lưới botnet.
Theo Graham Cluley, Giám đốc công nghệ của Sophos thì đôi khi người dùng cũng không thể nhận biết ra được rằng máy tính của mình đang là nguồn phát tán thư rác.
“Đại đa số thư rác được xuất phát từ những máy tính đã bị xâm nhập bởi tin tặc và bị điều khiển trong một mạng lưới botnet”, Graham Cluley cho biết.
Botnet là từ viết tắt của “Robot networks” (mạng robot), hoạt động như những “thây ma” (zombie), đã bị nhiễm phần mềm độc hại và nằm dưới quyền điều khiển cũng như huy động của hacker. Tin tặc có thể điều khiển những máy tính này từ xa để gửi đi thư rác, đánh cắp thông tin trên máy tính cũng như cài đặt những phần mềm độc hại khác mà người dùng máy tính không hề hay biết.
Tuy nhiên, một tin vui là số lượng thư rác phát tán trong Quý I/2012 đã có phần sụt giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cluley thì việc sụt giảm này là vì tin tặc không còn nhắm đến việc phát tán thư rác thông qua email, mà tập trung vào việc phát tán nội dung trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Pinterest, để làm cho việc lừa đảo trở nên hiệu quả và lan đi nhanh chóng hơn.
Số liệu báo cáo của Sophos cũng tương đương so với kết quả nghiên cứu được tiến hành bởi hãng bảo mật danh tiếng khác là Kaspersky, với việc Ấn Độ dẫn đầu trong các quốc gia phát tán thư rác nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Kaspersky thì Mỹ lại không nằm trong danh sách 10 quốc gia phát tán thư rác lớn nhất.
“Đừng để cho máy tính của bạn đóng góp cho việc phát tán thư rác trên toàn cầu”, Graham Cluley cho biết. “Hãy bảo vệ nó bằng những chương trình diệt virus, lưu ý kỹ những đường link trước khi bạn nhấp vào và cẩn trọng với những phần mềm mới cài đặt vào máy tính”.
Để kiểm tra xem máy tính có bị lây nhiễm và nằm trong mạng lưới botnet hay không, bạn có thể sử dụng phần mềm Trend Micro RUBotted (download miễn phí tại đây) hoặc phần mềm Dr.Web CureIt (đã được Dân trí giới thiệu tại đây).
Nếu phát hiện ra, 2 phần mềm bảo mật này sẽ tự động diệt những phần mềm gây hại khiến máy tính bị chiếm quyền điều khiển và phát tán thư rác.
Danh sách 10 quốc gia phát tán thư rác nhiều nhất theo báo cáo của Sophos (trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2012): 1. Ấn Độ (9,3%) 2. Mỹ (8,3%) 3. Hàn Quốc (5,7%) 4. Indonesia/Nga (5%) (Đồng hạng) 6. Ý (4,9%) 7. Brazil (4,3%) 8. Ba Lan (3,9%) 9. Pakistan (3,3%) 10. Việt Nam (3,2%) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.