Phiên giao dịch đầu tuần, 16-9, áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN-Index giảm hơn 12 điểm, xuống dưới 1.240 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng, lúc đầu thị trường có nhịp tăng song mức tăng không mạnh, cao nhất chỉ gần 4 điểm. Từ gần 11h, áp lực bán bắt đầu gia tăng khiến chỉ số VN-Index về mức tham chiếu và đi xuống.
Hết giờ giao dịch sáng, VN-Index giảm 4,62 điểm, xuống mức 1.247,09 điểm.
Sang phiên chiều, áp lực bán càng về cuối phiên càng mạnh hơn khiến chỉ số đại diện sàn giảm sâu hơn. Đóng cửa thị trường, VN-Index dừng ở mức 1.239,26 điểm, giảm 12,45 điểm (-0,99%); VN30-Index giảm 12,93 điểm (-1%), về mức 1.281,37 điểm.
Sắc đỏ chiếm phần lớn bảng giao dịch điện tử khi có tới 312 mã giảm giá, nhiều gấp hơn 3 lần số mã tăng giá (312 mã và 97 mã).
Cổ phiếu giảm giá trên diện rộng và ở hầu hết các nhóm ngành. Trong đó, các ngành tiện ích, phân phối và bán lẻ hàng lâu bền, dịch vụ tài chính, phần mềm, đồ gia dụng và cá nhân, bất động sản, xe và linh kiện, viễn thông, truyền thông giải trí giảm trên 1%. Đi ngược thị trường là các ngành bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm, dịch vụ tiêu dùng, tư liệu sản xuất, phần cứng.
Tác động mạnh nhất đến sự đi xuống của thị trường là cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất VCB khi lấy đi gần 1,4 điểm; tiếp đến là VHM với 1,3 điểm; GAS (0,94 điểm), VIC (gần 0,8 điểm)…
Trong khi đó, NAB đóng góp nhiều nhất vào chỉ số VN-Index với 0,345 điểm; tiếp đến là GVR (gần 0,3 điểm)…
Thanh khoản tăng so với phiên cuối tuần trước, đạt gần 13.500 tỷ đồng. Thanh khoản tăng trong bối cảnh thị trường giảm mạnh cho thấy áp lực bán là khá lớn. Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Khối này mua hơn 1.272 tỷ đồng và bán hơn 1.053 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chốt phiên, HNX-Index dừng ở mức 230,84 điểm, giảm 1,58 điểm (-0,68%); HNX30-Index giảm 6,07 điểm (-1,2%), về 498,07 điểm. Toàn sàn có gần 900 tỷ đồng được sang tay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.