Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch trầm lắng. Chuyên gia dự báo, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục đi ngang trong biên độ hẹp.
Trong tuần qua, chỉ số VN-Index gần như chỉ lình xình quanh vùng 1.250-1.270 điểm, thậm chí mức hỗ trợ 1.250 điểm được thử thách đến 2 lần. Áp lực bán phủ bóng trên thị trường với 4/5 phiên điều chỉnh. Mặc dù vẫn có những nhóm ngành nổi bật luân phiên thu hút dòng tiền song lại không đủ sức mạnh để dẫn dắt thị trường. Đóng cửa tuần giao dịch tuần từ ngày 9-9 đến 13-9, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.251,71 điểm, giảm 22,2 điểm (-1,75%) so với cuối tuần liền trước.
Thanh khoản sụt giảm mạnh so với tuần trọn vẹn cuối tháng 8. Trong đó mức thanh khoản đặc biệt thấp trong 2 phiên giao dịch cuối tuần. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn thành phố Hồ Chí Minh đạt 497 triệu cổ phiếu (-20.69%), tương đương 12,335 tỷ đồng (-21.16%) về giá trị giao dịch. Khối ngoại bán ròng 1.122 tỷ đồng.
Chuyên gia Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect đánh giá, thị trường tiếp tục trải qua một tuần giao dịch trầm lắng phản ánh sự thận trọng trước những diễn biến vĩ mô quan trọng bao gồm kỳ họp lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào giữa tuần sau với dự báo Fed có tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu trong năm nay; thị trường chờ xem phản ứng của Ngân hàng Nhà nước sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed và bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.
“Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ những yếu tố hỗ trợ là Fed dự kiến hạ lãi suất điều hành khoảng 0,75% trong những tháng cuối năm; áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp; kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện; tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường. Đồng thời, kinh nghiệm quá khứ cho thấy đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng”, chuyên gia VNDirect nhấn mạnh.
Do vậy, chỉ số VN-Index đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm và nhà đầu tư nên tận dụng giai đoạn này để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.
Còn chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhìn nhận, tâm lý thận trọng đang ngày một lớn khi chỉ số chưa thể chinh phục mức 1.300 điểm trong lần thứ tư cố gắng.
Với diễn biến hiện tại, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục đi ngang trong biên độ hẹp, tìm kiếm điểm cân bằng. Nhà đầu tư hạn chế việc mua thêm, ưu tiên vị thế quan sát và chờ đợi cổ phiếu về tài khoản khi có lợi nhuận mới tiếp tục gia tăng thêm tỷ trọng.
“Về xu hướng dài hạn, chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm bứt phá ngưỡng 1.300 điểm trong thời gian tới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng vượt kỳ vọng và Ngân hàng Nhà nước đang có những tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam dự báo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.