VinFast chính thức công bố cơ cấu giá thành mỗi chiếc ô tô được sản xuất, trong đó thuế chiếm gần 50%, hãng bù ra gần 300 triệu cho khách hàng được dùng sản phẩm xe hơi Việt.
Thuế chiếm gần 50% giá xe VinFast hiện tại
Hơn một năm trước, khi VinFast ra mắt hoành tráng ở Paris Motor Show, một làn sóng “tự hào dân tộc” dâng cao trên khắp Việt Nam. Sau một năm, khi “tuần trăng mật” ngọt ngào đã qua, khi dòng máu tự hào đã không còn đủ nóng thì ai cũng cho rằng VinFast phải cạnh tranh với hơn 20 hãng xe khác trên thị trường bằng chất lượng, tính năng và giá cả.
Nhận định này rất chính xác. Không có một sản phẩm nào có thể tồn tại lâu dài chỉ nhờ niềm tin yêu mang tính cảm tính của người tiêu dùng. Tất cả phải dựa vào chất lượng và giá cả.
Xét về chất lượng, đến lúc này xe VinFast đang khẳng định sự ưu việt. Ngay từ lúc bắt đầu tham gia sản xuất ô tô, VinFast đã đi theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu khi chọn nền tảng của BMW. Thậm chí, dù Việt Nam không đòi hỏi tiêu chuẩn ASEAN NCAP, VinFast vẫn kiểm thử theo tiêu chuẩn này. Kết quả 4 sao với dòng Fadil và 5 sao với 2 dòng Lux chính là lời tái khẳng định cho chất lượng của xe VinFast.
Nhưng ở thị trường Việt Nam, khi mà giá rẻ vẫn tiêu chí được đặt cao hơn chất lượng thì rõ ràng xe VinFast đang bị đẩy vào thế yếu.
“Xe VinFast sản xuất trong nước mà giá cao ngang xe nhập hay VinFast được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước như thế mà vẫn bán xe giá cao” - Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều mũi dùi chỉ trích đang hướng vào thương hiệu xe giúp hiện thực hóa khát vọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Cũng khó trách dư luận. Nhìn những hình ảnh của VinFast trên truyền thông, người ta sẽ dễ tin VinFast đang được nâng niu, o bế. Dù gì đây cũng là thương hiệu “ô tô quốc dân” của người Việt.
Nhưng những con số được chính Phó Tổng Giám đốc Thường trực của VinFast tiết lộ mới đây về các yếu tố cấu thành giá bán một chiếc xe VinFast đã khiến tất cả bất ngờ, nếu không muốn nói là sốc.
Theo tính toán, một chiếc VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn có giá gốc là 980,6 triệu đồng. Tuy nhiên, để đến tay người tiêu dùng, chiếc xe phải chịu thêm 412,1 triệu tiền thuế, bao gồm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (285,5 triệu đồng - do động cơ Lux A2.0) và 10% thuế VAT (126,6 triệu đồng). Mức thuế cao đã đẩy giá trị chiếc xe đến tay người tiêu dùng lên mức 1,392 tỷ đồng.
Với giá bán 1,099 tỷ đồng, VinFast đang chịu lỗ ít nhất 293 triệu. Nói “ít nhất” là bởi giá bán hiện tại của xe VinFast đang là giá “3 không” cộng ưu đãi: Không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính, không lãi và có thêm phần ưu đãi của hãng xe dành cho khách hàng.
Đến đây thì người ta mới vỡ lẽ ra rằng, giá xe VinFast hiện cao là bởi mỗi đầu xe đang phải gánh tới gần 50% thuế phí các loại.
Nỗ lực hết mình của doanh nghiệp sản xuất nội địa vì khát vọng lớn
Vậy VinFast có đang được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt gì hơn các doanh nghiệp khác không? Câu trả lời là không, ngoại trừ những ưu đãi chung cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Thậm chí, với việc chịu lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi xe, có thể nói Vingroup đang tự nỗ lực bằng chính nguồn lực của mình để làm ô tô, với khát vọng và quyết tâm thực hiện đến cùng mục tiêu ghi dấu ấn cho ngành công nghiệp Việt Nam lên bản đồ thế giới.
Công nghiệp ô tô nội địa được coi là ngành trọng điểm của các quốc gia. Chính vì thế, nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan có nhiều chính sách ưu đãi, thậm chí có nước không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô nội địa để thúc đẩy sự phát triển của ngành này. Các quốc gia phát triển có quy mô kinh tế lớn đều có ngành công nghiệp ô tô của riêng mình.
Lý do, theo các chuyên gia kinh tế, ô tô là ngành công nghiệp có vai trò đầu tàu, vừa cần các ngành phụ trợ, vừa tạo điều kiện cho một loạt các ngành phụ trợ phát triển. Sự ra đời của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước như VinFast vì vậy rất cần sự khuyến khích, động viên từ những chính sách “sát sườn”. Điều này nhằm tạo động lực để họ tiếp tục hiện thực hóa khát vọng của mình, thay vì cảm thấy cô đơn khi phải “tự bơi” trong thị trường ngập tràn “ông lớn”.
Thậm chí, VinFast cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn khá thiệt thòi khi không được “dùng chung” nhiều ưu đãi mà các doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành đang được hưởng.
Muốn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thực sự thành hình sau 30 năm ấp ủ, để cải thiện con số tỷ lệ ô tô trên đầu người ở Việt Nam không còn ở mức thấp nhất khu vực (chỉ trên Campuchia) và ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới, những doanh nghiệp đầy khát vọng như VinFast cần được sự đồng hành của Nhà nước, bên cạnh sự ủng hộ và thấu cảm của người dân Việt!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.