Việc Xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên (Vinaxuki) đầu tư làm khuôn mẫu và hệ thống máy dập tải trọng lớn, quy mô công nghiệp để dập thành công cabin xe tải được xem là bước ngoặt đáng kể đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước trong lĩnh vực sản xuất ô tô.
Bởi trước đó, một số DN trong nước có thâm niên đóng xe khách hay xe tải trên nền khung gầm được nhập khẩu, tuy cũng “gò, hàn” để ra được chiếc xe, nhưng chủ yếu là làm bằng tay và chỉ có các loại máy dập đơn giản.
Hiện nay, thị trường ô tô ở Việt Nam vẫn nhỏ, nhưng sự có mặt ngày càng đông đảo của các liên doanh ô tô đã chứng tỏ hiệu quả của các liên doanh là không thấp. Tuy vậy, cung khó có thể trông đợi sẽ có thương hiệu ô tô “Made in Vietnam”, bởi các DN này đều sản xuất những sản phẩm mang bản quyền công nghệ của công ty mẹ ở nước ngoài. Ngay cả khi có nhiều DN trong nước sản xuất, lắp rápô tô, không phải DN nào cũng đủ sức đeo đuổi sự nghiệp “tốn kém” này đến nơi, đến chốn. Lý do cũng đơn giản, một bộ khuôn cabin xe tải xuất xứ Đài Loan có giá trị 4 -7 triệu USD, xe con 18-30 triệu USD, tùy theo độ phức tạp.
Trước khi Vinaxuki đầu tư máy dập và làm khuôn mẫu cho các chi tiết của thân xe ô tô, mới chỉ có Cty liên doanh Toyota Việt Nam (TMV) đầu tư vào nhà máy đặt tại Vĩnh Phúc một máy dập tải trọng 1.000 tấn để dập cánh cửa xe ô tô. Nhưng, ngay cả bộ khuôn mẫu phục vụ cho việc dập khuôn cũng mang từ nước ngoài sang chứ không có một chút chất xám nào của Việt Nam được sử dụng trong việc tạo ra bộ khuôn này. Vì vậy, khi ông Bùi Ngọc Huyên-Tổng Giám đốc Vinaxuki đầu tư khoảng 10 triệu USD cho nhà máy sản xuất khuôn mẫu phục vụ dập ép vỏ xe ô tô và khuôn mẫu đúc phụ tùng xe ô tô vào năm 2002, thì các chuyên gia ô tô nước ngoài cho rằng Vinaxuki không thực tế. Sau hơn ba năm kiên trì đầu tư cơ bản, nhà máy làm khuôn và dập của Vinaxuki đã cho ra các loại chasi ô tô gồm hai kiểu cabin của xe tải và xekhách. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa mà Vinaxuki đạt được khoảng 30%-45% tùy theo từng model xe.
Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào nhận định: Việc chế tạo được khuôn mẫu và dập thân vỏ xe ô tô ngay tại Việt Nam và do một DN trong nước thực hiện đã đánh dấu bước ngoặt mới của làng ô tô Việt Nam, tạo thêm những giá trị gia tăng mới trong sản phẩm ô tô được sản xuất tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, một nhà máy làm khuôn có quy mô với hơn 60 thiết bị tự động một năm cũng chỉ có thể chế tạo được một bộ khuôn, vì khuôn sau khi chế tạo hoàn thành còn phải dập ép thử, theo dõi độ biến dạng phù hợp, đàn hồi trở lại của sản phẩm sau khi ép và điều chỉnh khuôn cho phù hợp.
Năm 2004, là một trong hai DN tư nhân trong nước đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép làm ô tô, Vinaxuki đã chọn cho mình một lối đi bài bản dù khó khăn và tốn kém, thay vì chớp thời cơ làm xe bán ngay thu lợi nhuận như nhiều DN khác. Vinaxuki đã lắp đặt dây chuyền sơn nhúng điện ly theo công nghệ của hãng Nippon Nhật Bản, là dây chuyền hiện đại và lớn nhất Đông Nam á, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Điều này lý giải tại sao ở Việt Nam, Xuân Kiên là nhà máy duy nhất sơn điện ly được cả thùng hàng xe tải và dám bảo hành với thời gian 3 năm cho loại xe được “quăng quật” nhiều này.
Hiện nay, Xuân Kiên đang cung cấp cho thị trường 5 chủng loại xe gồm: xe 8 chỗ, xe bán tải, xe khách, xe tải, xe chuyên dụng với hơn 30 model các loại có giá bán từ 65 triệu đến 207 triệu đồng. Quyết tâm đầu tư và đầu tư có bài bản đã giúp cho các sản phẩm của Vinaxuki có lợi thế về thuế nhập khẩu. Lợi thế này cũng giúp Vinaxuki có được giá bán cạnh tranh dù đã có ưu điểm sơn điện ly toàn bộ thùng xe, trang bị động cơ với hệ thống phun xăng điện tử, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro2, giúp tiết kiệm 15%-20% lượng tiêu hao nhiên liệu.
Quang Linh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.