(HNM) - Trang trại của Vinamilk là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được Global G.A.P. chứng nhận và là 1 trong 3 trang trại đạt chuẩn quốc tế Global G.A.P. của Châu Á.
Trang trại Nghệ An của Công ty Bò sữa Việt Nam (thuộc Công ty Vinamilk) thực hiện triển khai tiêu chuẩn Global G.A.P. từ tháng 9-2013 và mới đây, trang trại Nghệ An đã được tổ chức này đánh giá đạt chuẩn và chứng nhận. Việc trang trại Nghệ An của Vinamilk áp dụng và đạt chứng nhận quốc tế Global G.A.P. sẽ giúp Vinamilk ngày càng tạo được niềm tin cho khách hàng; nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường của Vinamilk trên thị trường; đáp ứng các yêu cầu của khách hàng ở những thị trường khó tính như Châu Âu và Mỹ; là điểm thuận lợi trong việc ký hợp đồng và đấu thầu; là công bố chính thức về sự cam kết bảo đảm về an toàn chất lượng và liên tục cải tiến nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lực sản xuất nông nghiệp; đáp ứng quy định của Nhà nước và các nước dự tính bán hàng trong hiện tại và tương lai về quản lý chất lượng. Công ty tiếp tục triển khai đánh giá tiêu chuẩn Global G.A.P. cho toàn bộ các trang trại còn lại của Vinamilk trên toàn quốc. Hệ thống 5 trang trại của Vinamilk đều đã đạt quản lý chất lượng ISO 9001:2008 do Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas (Pháp) cấp.
Để ngành công nghiệp chế biến sữa phát triển bền vững, Vinamilk luôn chủ động nguồn sữa nguyên liệu. Từ năm 2006, Vinamilk đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, với tổng vốn khởi điểm là hơn 500 tỷ đồng và đã tăng đến 1.600 tỷ đồng (năm 2013). Hiện nay, Vinamilk có 5 trang trại ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng. Trong kế hoạch năm 2014-2015, thêm 4 trang trại quy mô lớn đang được Vinamilk xây dựng và đưa vào hoạt động như các trang trại Thống Nhất (Thanh Hóa), Như Thanh (Thanh Hóa), Hà Tĩnh và Tây Ninh. Trong giai đoạn 2014-2016, Vinamilk sẽ tiếp tục nhập bò giống cao cấp từ các nước Australia, Mỹ để đáp ứng cho nhu cầu con giống của các trang trại mới. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho Vinamilk gồm các trang trại của công ty và bà con nông dân có ký hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 80.000 con bò, mỗi ngày cung cấp khoảng 550 tấn sữa tươi nguyên liệu để sản xuất ra trên 3 triệu ly sữa. Theo kế hoạch phát triển, các trang trại mới, Vinamilk sẽ đưa tổng số đàn bò từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 100.000 con vào năm 2017 và 120.000-140.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 1.000-1.200 tấn/ngày...
Bên cạnh nguồn sữa nguyên liệu đầu tư trong nước, Vinamilk còn mở rộng đầu tư ở nước ngoài. Nhà máy Miraka (New Zealand) do Vinamilk đầu tư 19,3% cổ phần, có tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD, chuyên sản xuất sản phẩm bột sữa nguyên kem chất lượng cao. Nhà máy có công suất 32.000 tấn sữa bột/năm; dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng UHT có công suất 60 triệu lít sữa/năm. Với dây chuyền này, Vinamilk sẽ gia tăng sản lượng sữa tươi đóng hộp nhập về Việt Nam với thương hiệu Twin Cows. Đồng thời, sản lượng sữa từ nhà máy tại New Zealand sẽ là nguồn sữa nguyên liệu góp phần bảo đảm cho việc chủ động nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sữa của Vinamilk tại Việt Nam. Vinamilk đã động thổ nhà máy tại Campuchia vào tháng 5-2014. Dự án có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, trong đó Vinamilk có tỷ lệ nắm giữ sở hữu 51%. Năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động doanh thu năm đầu tiên ước tính đạt khoảng 35 triệu USD và tăng dần qua các năm sau. Vinamilk cũng vừa nhận được giấy phép đầu tư vào Ba Lan, quy mô khoảng 3 triệu USD. Dự án này sẽ đóng vai trò cung cấp nông sản và gia súc để hỗ trợ sản xuất cốt lõi của Vinamilk với các sản phẩm sữa, đồ uống và thực phẩm. Dự án này còn là "cửa ngõ" cho Vinamilk tiếp cận và mở rộng ở thị trường Châu Âu. Ngoài hai dự án mới này, Vinamilk đang xem xét khả năng đầu tư vào Myanmar và một số nước khác. Từ năm 2013 Vinamilk còn đầu tư xây dựng hai "siêu" nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước tại Việt Nam. Nhà máy sữa Việt Nam xây dựng trên diện tích 20ha với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng tại tỉnh Bình Dương và tập trung vào các sản phẩm sữa nước. Với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 400 triệu lít sữa/năm, giai đoạn 2 (dự kiến triển khai vào 2017) là 800 triệu lít. Nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng với công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/năm.
Global G.A.P. là công cụ quản lý trang trại nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế về chất lượng sản phẩm, về sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao được chất lượng và giá trị sản phẩm từ đó sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lực sản xuất nông nghiệp, góp phần làm giàu cho người nông dân và phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường và cảnh quan chung. Yêu cầu tiêu chuẩn của Global G.A.P. là phải đáp ứng được những nguyên tắc về nguồn thức ăn, năng lượng, môi trường (kể cả người lao động, khách hàng lẫn vật nuôi), người tiêu dùng, thịt bò… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.