Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vinaconex: Khẳng định thương hiệu mạnh

Gia Khánh| 08/12/2010 07:28

(HNM) - Từ xuất phát điểm thấp, không tài sản, vốn liếng, Vinaconex đã liên tục đổi mới để thích ứng với điều kiện sản xuất kinh doanh trong từng thời kỳ...


KĐT Trung Hòa - Nhân Chính, một trong những công trình do Vinaconex thi công.
Ảnh: Phương An

Trong lĩnh vực XK lao động, Vinaconex luôn là đơn vị tiên phong, mở ra nhiều thị trường mới, thu về ngoại tệ cho đất nước, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Vươn sang lĩnh vực xây dựng, Vinaconex là đơn vị hàng đầu, với hàng nghìn công trình trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trong đó có nhiều công trình dân dụng quy mô lớn, hiện đại nhất Việt Nam; các công trình giao thông lớn, kỹ thuật phức tạp; các công trình công nghiệp tầm cỡ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội. Thống kê cho thấy, 80% trong tổng số nhà máy xi măng trên cả nước mang dấu ấn Vinaconex, tiêu biểu như Bỉm Sơn, Bút Sơn, Nghi Sơn, Hoàng Mai, Hoàng Thạch, Hà Tiên, Cẩm Phả, Thăng Long, Yên Bái... Nhiều công trình thủy điện do Vinaconex làm tổng thầu, như Buôn Kuôp (Đắc Lắc), Buôn Tua Shar (Đắc Nông), công trình thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt (Thanh Hóa)... Từ chỗ chỉ đảm nhiệm thi công, Vinaconex trở thành nhà đầu tư nhiều dự án bất động sản (BĐS), dự án công nghiệp như thủy điện Ngòi Phát (75MW), Cửa Đạt (97MW), Nhà máy nước Sông Đà công suất 300.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1) cung cấp nước cho phía Tây Hà Nội... Về nhà ở, khu đô thị, có dự án Trung Hòa - Nhân Chính, Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Bắc An Khánh, Thảo Điền, Cái Giá - Cát Bà, khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ngô Thì Nhậm (Hà Đông)... Đặc biệt, Vinaconex vừa đưa vào sản xuất 2 dây chuyền xi măng lớn là dự án xi măng Cẩm Phả (Quảng Ninh) công suất 2,3 triệu tấn/năm lớn nhất nước, trạm nghiền công suất 1,5 triệu tấn/năm đặt tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trạm nghiền clinker đi vào hoạt động từ năm 2006, nhà máy hoạt động từ năm 2008, cung ứng cho thị trường hàng trăm nghìn tấn xi măng chất lượng cao. Dự án xi măng Yên Bình (Yên Bái) công suất 1,2 triệu tấn/năm, hoạt động từ cuối năm 2007, là nhà máy đầu tiên trong loạt 7 nhà máy được Chính phủ phê duyệt theo chương trình phát triển kinh tế vùng Tây Bắc.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thành Phương, giai đoạn 2010-2015, Vinaconex tập trung phát triển hai lĩnh vực có ưu thế, lợi thế cạnh tranh lớn nhất là xây dựng và kinh doanh BĐS, trên cơ sở phát triển các lĩnh vực hỗ trợ cho hai lĩnh vực kinh doanh chính là tư vấn thiết kế, công nghiệp VLXD, XK lao động, thương mại và đào tạo nhân lực; tăng tỷ trọng hoạt động BĐS, xây lắp trong doanh thu và lợi nhuận, giảm dần tỷ trọng các lĩnh vực kinh doanh khác thông qua việc tái cấu trúc vốn đầu tư của Tổng Công ty tại các công ty và các dự án. Triển khai các dự án BĐS và phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, mang lại lợi nhuận cao nhằm bảo đảm lợi nhuận, sự phát triển ổn định lâu dài, nâng cao uy tín và thương hiệu DN. Cụ thể, ông Phương cho biết, sẽ hình thành một số công ty nòng cốt trong các lĩnh vực kinh doanh BĐS, xây lắp, sản xuất công nghiệp và VLXD, thương mại, xuất nhập khẩu... do Tổng Công ty nắm cổ phần chi phối. Dưới các công ty mẹ, sẽ hình thành các công ty con do công ty mẹ nắm cổ phần chi phối, hoạt động theo ngành nghề hoặc địa bàn tương ứng. Tổng Công ty chuyển giao vốn, tài sản, thương hiệu trong lĩnh vực BĐS và các lĩnh vực khác cho các công ty mẹ tương ứng. Vốn và tài sản chuyển giao này là vốn góp của tập đoàn tại các công ty mẹ.

Với tiêu chí "Xây những giá trị, dựng những ước mơ" và "Không ngừng mở rộng, không ngừng vươn xa", Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định chiến lược phát triển Tổng Công ty trở thành tập đoàn kinh tế vững mạnh hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh BĐS. Với mục tiêu hoạt động hiệu quả, tăng trưởng bền vững, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống người lao động trong DN, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vinaconex: Khẳng định thương hiệu mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.