Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viettel đặt mục tiêu khôi phục liên lạc trong 24 giờ sau thiên tai

Châu Anh| 02/10/2015 08:02

(HNM) - Tập đoàn Viettel đã lên kế hoạch với các phương án ứng cứu đảm bảo thông tin trong bão trên cấp 13 (bao gồm cả siêu bão trên cấp 16). Đặc biệt, sau khi bão đi qua, Viettel sẽ nhanh chóng khắc phục hoàn toàn các sự cố trong 24 giờ đối với dịch vụ di động và tối đa 3 ngày với dịch vụ cố định.

Do mỗi trạm phát sóng của Viettel được vu hồi bằng 2 đường truyền dẫn khác nhau nên trong mọi tình huống. Viettel đảm bảo thông tin liên lạc các vị trí trọng yếu phục vụ biển đảo, trạm tại các đảo, trạm tại khu vực có khả năng bị cô lập, trạm phục vụ các cơ quan chính quyền, quân đội, an ninh, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TƯ, địa phương và các Sở chỉ huy phòng, chống thiên tai tiền phương…Thực tế, thời gian khắc phục sự cố do thiên tai gây ra trong 2 năm gần đây đã giảm 3 lần so với trước đó. Trong đó phải kể đến như: Cơn bão số 8 (Sơn Tinh) năm 2012 và cơn bão số 10 (Wutip) năm 2013, Viettel mất tới 3 ngày để khôi phục thông tin liên lạc tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Quảng Bình. Khoảng thời gian này được rút ngắn xuống 2 ngày đối với bão số 11 (Nari) năm 2013; 20 giờ đối với bão số 3 (Kalmaegi) năm 2014 và vẫn duy trì ở chỉ tiêu 24 giờ cho tới nay.

Để thực hiện được như chỉ tiêu đề ra, định kỳ hàng năm, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được kiện toàn nhằm đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới. Các đơn vị của Viettel đều tăng cường đào tạo, huấn luyện và diễn tập các tình huống ứng cứu thông tin, tập trung tổ chức tại các tỉnh ven biển hay bị bão lụt, các tỉnh dễ xảy ra lũ quét, sạt lở. Nội dung diễn tập bao gồm các tình huống về phòng chống cháy nổ, mất điện, đứt cáp, nước ngập, gió bão làm đổ cột ăng ten, sử dụng xuồng máy,…

Năm nay, công tác chuẩn bị, phòng chống bão lũ đã được Viettel hoàn thiện từ tháng 5-2015. Các chi nhánh Viettel thuộc tỉnh, thành phố thường xuyên có tâm bão đi qua như Bắc Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Nẵng,… đã tổ chức rà soát, kiểm tra tất cả các trạm BTS, nhà trạm. Viettel cũng đã xây dựng gần 800 nhà vượt lũ cao cách mặt đất từ 1,5 - 4,5m tùy theo đỉnh lũ lịch sử tại địa phương, 12.200 nhà máy nổ, lắp đặt gần 300 bình biến áp cho trạm BTS tại các địa phương thường xảy ra lũ lụt, đảm bảo an toàn cho thiết bị, thông tin không bị gián đoạn khi mưa bão hoặc mất điện diện rộng.

Song song với việc mở rộng vùng phủ, Viettel chủ động kết hợp triển khai kiên cố, bền vững hóa hạ tầng mạng lưới. 11.000 km cáp quang thuộc các tuyến đường trục và tuyến trọng yếu đã được Viettel ngầm hóa, trong đó có 3.000 km thuộc 20 tỉnh ven biển dọc từ Quảng Ninh đến Vũng Tàu. Trong quá trình triển khai các tuyến truyền dẫn liên tỉnh, đặc biệt là đường trục cáp quang Bắc - Nam, Viettel cũng tăng cường đưa vào sử dụng loại cáp OPGW, một loại cáp quang có khả năng chống sét, có độ bền cơ khí cao để đảm bảo an toàn. Đối với một số tuyến truyền dẫn ở khu vực đặc thù như biển đảo, sông nước, Viettel sử dụng loại cáp thả biển có độ tin cậy cao, ổn định, có khả năng chống lại áp suất của nước ở độ sâu tối đa là 8.000m và có thể duy trì trong khoảng 25 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viettel đặt mục tiêu khôi phục liên lạc trong 24 giờ sau thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.