(HNMO)- Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (Korean Research Association of Vietnam – KRAV) đã chính thức ra mắt ngày 24/4/2011, tại Hà Nội.
(HNMO)- Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (Korean Research Association of Vietnam – KRAV) đã chính thức ra mắt ngày 24/4/2011, tại Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng, đối với việc phát triển quan hệ kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc.
KRAV được thành lập theo quyết định số 168/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, hoạt động theo hình thức tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện phi lợi nhuận và là tập hợp của các chuyên gia, nhà khoa học đã và đang hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục, giảng dạy về Hàn Quốc học tại Việt Nam cũng như các chuyên ngành khác có liên quan trên phạm vi cả nước.
Giáo sư Tiến sĩ Mai Ngọc Chừ, đại diện của KRAV cho biết, một trong những chương trình quan trọng nhất của Hội là tạo điều kiện để các nhà khoa học, những người làm công tác giáo dục tập trung nghiên cứu, trao đổi học thuật về ngôn ngữ, văn hoá hai nước, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tuyên truyền và phổ biến kiến thức về Hàn Quốc học trong các lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, văn học nghệ thuật, lịch sử, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam…
Sự hình thành của KRAV sẽ góp phần tạo cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, củng cố và tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Trong những năm đầu, KRAV sẽ tập trung vào 6 mảng công việc chính như: Hoàn thiện và phát triển Hội về mặt tố chức thông qua việc thành lập các đơn vị trực thuộc như Văn phòng Trung ương Hội, Chi hội Hàn Quốc học Việt Nam tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; Tổ chức một số hội thảo quốc gia và quốc tế về Hàn Quốc học; Công bố các xuất bản phẩm về Hàn Quốc học; Tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ liên quan đến Hàn Quốc học. Hội cũng sẽ kết hợp với các trường đại học tổ chức các hoạt động văn hoá – văn nghệ nhân dịp các ngày lễ lớn liên quan đến quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc; Trao đổi, hợp tác với các tổ chức hội khác ở trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiểu quả việc dạy và học tiếng Hàn tại Việt Nam…
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, kể từ khi khi mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc chính thức được thiết lập vào năm 1992, cùng với sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước, ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam cũng đã đạt được những thành quả đáng kể. Tính đến năm 2011, đã có 10 trường đại học đào tạo về tiếng Hàn và Hàn Quốc học và 3 trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam. Trong đó, một trung tâm thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội; một trung tâm thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG T.P Hồ Chí Minh và một trung tâm thuộc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đây là những cơ sở nghiên cứu và đào tạo đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam. Số lượng sinh viên theo học ngành Hàn Quốc học cũng đang ngày một gia tăng. Năm 2003, số sinh viên học ngành Hàn Quốc ở Việt Nam là 731 người, thì hiện nay con số này lên tới hàng ngàn người. Dù ra đời muộn hơn so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á nhưng ngành Hàn Quốc học đang dần trở thành một ngành học có vị trí xứng đáng trong nền giáo dục Việt Nam. Những thành tựu mà các cơ sở đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc học có được là do sự cố gắng bền bỉ của các giảng viên, các nhà nghiên cứu, sự hỗ trợ quý báu của các trường đại học, các viện nghiên cứu ở Việt Nam. Góp công vào những thành tựu đó còn là sự giúp đỡ, sự hỗ trợ to lớn từ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại T.P Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu Hàn Quốc, KOICA, Quỹ giao lưu quốc tế, Quỹ phát triển học thuật Hàn Quốc... Đó là những tiền đề quan trọng giúp ngành Hàn Quốc học phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao trong những năm qua. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.