Theo kết quả xếp hạng Chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) năm 2011, Việt Nam được xếp ở vị trí 30, nâng được 8 bậc so với năm 2010.
Theo kết quả xếp hạng GPI năm 2011, Việt Nam được xếp ở vị trí 30, nâng 8 bậc so với năm 2010. |
Kết quả xếp hạng GPI do Viện Kinh tế và Hòa bình (trụ sở tại Australia) công bố ngày 12/6 cho biết nền hòa bình trên thế giới đã đạt được tiến bộ nhỏ trong năm 2011, tuy nhiên Trung Đông vẫn là khu vực nguy hiểm nhất.
Được thiết lập dựa trên xem xét 23 tiêu chí xác định mức độ bạo lực bên trong và bên ngoài từng nước trong tổng số 158 nước, GPI lần thứ 6 nhận định bạo lực trên thế giới đã giảm 1,5% sau hai năm gia tăng không ngừng.
Theo bảng xếp hạng, sự cải thiện diễn ra hầu khắp các khu vực trên thế giới, ngoại trừ Bắc Phi và Trung Đông. “Mùa xuân Arập” đã góp phần làm trỗi dậy tình trạng bạo lực tại nhiều địa phương. Trong số các nước thụt lùi nghiêm trọng nhất trong bảng xếp hạng phải kể đến Syria, từ vị trí thứ 30 tụt xuống vị trí 147, đứng trên Ai cập, Tunisia và Oman.
Lần đầu tiên Tiểu vùng Sahara châu Phi được xếp ngoài các khu vực nguy hiểm nhất thế giới. Theo phân tích của Steve Killelea, người sáng lập GPI, các cuộc chiến tranh khu vực đã giảm rõ rệt, trong khi Liên minh châu Phi rất tích cực thúc đẩy hội nhập kinh tế và chính trị tại khu vực. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa giúp Somalia thoát khỏi vị trí đội sổ tại khu vực, đứng sau các nước Sudan, Cônggô và Trung Phi.
Tây Âu tiếp tục là khu vực hòa bình nhất thế giới kể từ 6 năm qua, với 7/10 nước đứng đầu bảng xếp hạng. “Cành cọ vàng” thuộc về Iceland.
Pháp đứng ở vị trí thứ 40, tụt 4 bậc so với năm trước, đứng xa sau Bỉ (thứ 11) và Đức (thứ 15). Nguyên nhân là do sự gia tăng số người bị giam giữ, tình trạng phạm tội, các cuộc biểu tình bạo lực.
Châu Á là khu vực có nhiều cải thiện nhất, đặc biệt là nhờ nội chiến tại Sri Lanka chấm dứt và các mối căng thẳng liên quan đến dòng người tị nạn vào Bhutan giảm.
Việt Nam được xếp ở vị trí 30, nâng được 8 bậc so với năm 2010. Trung Quốc đứng ở vị trí 80, tăng 2 bậc so với Mỹ.
Trong số các tiêu chí hòa bình được đề ra phải kể đến tình trạng chiến tranh, số nạn nhân của xung đột vũ trang, tỉ lệ GDP đầu tư cho chi tiêu quân sự, tình trạng tội phạm, biểu tình bạo lực, bất ổn của chính phủ các nước… Tiến bộ đạt được trong năm 2011 là kết quả của sự gia giảm các khoản đầu tư cho quân sự do khủng hoảng kinh tế; các xung đột liên nhà nước giảm trong khi xung đột nội bộ tại một nước gia tăng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.