Công nghệ

Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm

Thu Hằng 29/08/2024 - 06:23

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thế giới và cuộc sống của nhân loại.

Tuy nhiên, sự phát triển của AI cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị... đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý phù hợp nhằm phát triển AI có trách nhiệm.

ngay-hoi-tri-tue-nhan-tao-viet-nam-2024-thu-hut-khach-tham-quan-trai-nghiem..jpg
“Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024” thu hút đông đảo khách tới tham quan, trải nghiệm.

Lĩnh vực công nghệ quan trọng

Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, cũng như ứng dụng rộng rãi của AI trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như: Giao thông, y tế, tài chính, bán lẻ, quảng cáo… mang đến nhiều cơ hội đối với mỗi quốc gia. Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng sức mạnh của AI nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Với mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, tháng 1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN.

Sau 3 năm triển khai chiến lược, Việt Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Theo kết quả đánh giá và công bố trong báo cáo “Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của Chính phủ” do Oxford Insight thực hiện, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 5/10 trong khối ASEAN về khai thác ứng dụng trí tuệ nhân tạo để vận hành và cung cấp dịch vụ, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị như: Vấn đề an ninh, an toàn; vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân; vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; vấn đề xây dựng tiêu chuẩn ngành; vấn đề xác định trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến AI…

Tại “Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024” (AI4VN 2024) vừa diễn ra ở Hà Nội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam luôn lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội và người dân làm trung tâm trong việc phát triển và ứng dụng AI. Tuyệt đối không lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này.

Phát triển AI đi đôi với trách nhiệm, đạo đức

Hiện nay, nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới đã có những nỗ lực nhằm phát triển khung pháp lý và đạo đức để quản lý, kiểm soát và thúc đẩy AI có trách nhiệm. Có thể nói, thế giới đang tương đối thống nhất về các nguyên tắc cơ bản của AI có trách nhiệm, đó là: AI phải vì con người, không gây hại cho con người; AI phải bảo đảm thực hiện đúng như mục tiêu thiết kế đề ra; an toàn và bảo mật; bình đẳng, công bằng; bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo hộ quyền tác giả; minh bạch và giải thích được.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực trong hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm tạo thuận lợi cho phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam và phát triển AI có trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, đạo đức và trách nhiệm trong AI nằm ở tất cả các khâu, từ xây dựng thuật toán, thu thập dữ liệu, đến công cụ huấn luyện và ứng dụng. Vì vậy, vấn đề này phải được quan tâm ngay từ khâu xây dựng hệ thống, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, tôn trọng quyền tác giả, bản quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất lao động nhưng cần bảo vệ môi trường, an sinh xã hội cũng được coi trọng.

Gần đây nhất, tháng 6-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN về việc hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm nhằm hướng đến một xã hội lấy con người làm trung tâm, mọi người được hưởng những lợi ích từ các hệ thống trí tuệ nhân tạo, bảo đảm sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro của các hệ thống trí tuệ nhân tạo...

Theo đó, có 9 nguyên tắc nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm và hướng dẫn thực hiện gồm: Tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tính minh bạch; khả năng kiểm soát; an toàn; bảo mật; quyền riêng tư; tôn trọng quyền và phẩm giá con người; hỗ trợ người dùng; trách nhiệm giải trình.

Đây là văn bản đầu tiên ở Việt Nam nêu ra một số nguyên tắc chung cần chú ý trong nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm và khuyến nghị các tổ chức, đơn vị, cá nhân tự nguyện tham khảo, áp dụng trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, phát triển, cung cấp các hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, mục tiêu của tài liệu hướng dẫn này nhằm thúc đẩy sự quan tâm của các bên liên quan trong việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống/ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam một cách có trách nhiệm; nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống/ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách an toàn và có trách nhiệm, đồng thời hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực cho con người và cộng đồng; việc chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống/ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm đạt được sự tin tưởng của người dùng và xã hội đối với trí tuệ nhân tạo cũng chính là tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.

“Các nguyên tắc, hướng dẫn sẽ tiếp tục được nghiên cứu, cập nhật để phù hợp với tình hình thực tiễn”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.