Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam phải luôn cảnh giác với nguy cơ động đất

Theo TTXVN/Vietnam+| 29/04/2011 16:32

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cảnh báo Việt Nam phải luôn cảnh giác với nguy cơ động đất.

Bản đồ chấn tâm động đất tại Lai Châu, ngày 28/4. (Nguồn: www.igp-vast.vn)


Theo giải thích của Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương, Việt Nam nằm ở phần Đông Nam của mảng lục địa Âu, Á, giữa mảng Ấn Độ và mảng Philippines.

Đặc biệt, ở miền Bắc tồn tại hệ thống đứt gãy đã và đang hoạt động rất phức tạp là đứt gãy Lai Châu-Điện Biên, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy sông Hồng, đới đứt gãy sông Cả, đứt gãy kinh tuyến 109-110 độ... nên có thể xảy ra động đất mạnh tới 7 độ Richter.

Các nhà khoa học Việt Nam đã hoàn thành nghiên cứu phân vùng dự báo chi tiết động đất tại vùng Tây Bắc, vùng có nguy cơ xảy ra động đất mạnh nhất Việt Nam.

Viện Vật lý Địa cầu cũng đã thiết lập được bản đồ dự báo các vùng có nguy cơ phát sinh động đất. Theo dự báo, 7 vùng trọng điểm có nguy cơ phát sinh động đất là thành phố Điện Biên, thị xã Sơn La, thị trấn Mường La, thị trấn Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị xã Lai Châu (cũ) và thị trấn Tam Đường - thủ phủ của tỉnh Lai Châu mới hiện nay.

Thực tế cho thấy, từ thế kỷ 20 đến nay trên lãnh thổ Việt Nam đã xảy ra hàng trăm trận động đất, trong đó có 2 trận động đất có cường độ 6,7-6,8 độ Richter vào năm 1935 và năm 1983 và đều xảy ra tại hệ thống đứt gãy sông Mã và Sơn La. Tuy nhiên, do diễn ra tại vùng rừng núi hẻo lánh nên hai trận động đất này không gây thiệt hại đáng kể.

Trận động đất vào tháng 2/2001 tại vùng lòng chảo Điện Biên Phủ cường độ mạnh khoảng 5,3 độ Richter, tuy thời gian diễn ra nhanh song cũng đã làm 80% nhà cửa ở khu vực này bị nứt, tổng thiệt hại tài sản vào thời điểm ấy lên đến 30 tỷ đồng.

Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 10/2010, Trung tâm báo tin động đất và sóng thần đã ghi nhận trên toàn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam có 8 trận động đất tại Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Phan Thiết, Quảng Ninh.

Gần đây nhất, từ ngày 25-28/4, tại địa bàn tỉnh Lai Châu đã liên tiếp xảy ra 3 trận động đất có cường độ lần lượt 3,6; 3,8 và 4,1 độ Richter và khoảng 7 dư chấn nhỏ mà con người không cảm nhận được. Điều này đúng với quy luật của động đất vì những dư chấn sau trận động đất chỉ mất đi sau khoảng 3 tháng.

Lai Châu hiện vẫn chưa có trạm địa chấn. Các thông số để kết luận, cảnh báo xảy ra động đất trong thời gian qua đều do các trạm ở địa bàn lân cận như Điện Biên, Lào Cai... báo về Viện Vật lý Địa cầu.

Hiện tại, thông tin về động đất và sóng thần ở Việt Nam đã được các chuyên gia có kinh nghiệm của Viện Vật lý và Địa cầu xử lý và phân tích đạt độ tin cậy chấp nhận được. Nhược điểm lớn nhất là việc truyền số liệu tại 25 trạm địa chấn ghi động đất đặt tại các khu vực trên cả nước có tốc độ phân tích số liệu chậm, việc xác định các thông số vừa xảy ra phải mất đến 15-20 phút nên sẽ làm cho công tác ứng phó bị động khi động đất mạnh xảy ra.

Để tăng cường năng lực thông tin cảnh báo động đất và sóng thần, Viện Vật lý và Địa cầu đang tiến hành hoàn chỉnh đề án "Tăng cường mạng lưới quan sát động đất báo tin động đất và cảnh báo sóng thần."

Theo đề án, mạng lưới được xây dựng gồm 36 Trạm địa chấn dải rộng kèm theo các thiết bị GPS phân bố khắp cả nước, trong đó khảo sát xây dựng 22 trạm tại vị trí mới. Phương thức truyền số liệu từ các trạm về Viện Vật lý Địa cầu được thực hiện chủ yếu là Internet và vệ tinh.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương cho rằng trên thế giới hiện vẫn chưa có nước nào dự báo chính xác được thời điểm động đất sẽ xảy ra. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân về bản chất, tác hại và phương thức phòng tránh động đất là rất cần thiết.

Đồng thời, khi tiến hành xây dựng các công trình, các đơn vị phải tuân thủ quy phạm thiết kế kháng chấn đã được Bộ Xây dựng soạn thảo và ban hành năm 2006, nhất là các vùng nguy cơ xảy ra động đất mạnh như khu vực Tây Bắc.

Trong các khu nhà làm việc, nhà ở cần có những khoảng trống nhất định để mọi người sơ tán, trú tránh khi động đất xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam phải luôn cảnh giác với nguy cơ động đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.