Liên hợp quốc cảnh báo sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang gia tăng, có thể dẫn đến nguy cơ thừa con trai trong vòng chưa đầy 50 năm tới. Trong khi đó, sự can thiệp và tuyên truyền của Việt Nam về thực trạng và hậu quả của vấn đề này vẫn còn nhiều khoảng trống.
Tăng ở mức báo động
Thông thường, trên thế giới, mức sinh chuẩn là cứ 105 trẻ em trai lại có 100 trẻ em gái. Thế nhưng, ở Hòa Bình - một tỉnh miền núi Tây Bắc, những năm qua, tỷ số giới tính khi sinh (tính bằng số trẻ em trai/100 trẻ em gái) tăng đáng kể từ năm 2006 đến nay.
Ông Nguyễn Huy Lâm, Giám đốc Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình thành phố Hòa Bình cho biết, tỷ số này ở Hòa Bình nay là 119/100. Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất của Việt Nam.
Kết quả phân tích của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 110,6. Riêng vùng đồng bằng sông Hồng là 115,5 - cao nhất cả nước.
Tỷ số này có thể tăng lên đến 115 trong thập niên này, đưa tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tiến sát đến mốc cao nhất quan sát được trên thế giới.
UNFPA cảnh báo, nếu không có sự can thiệp điều chỉnh kịp thời, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tiếp tục gia tăng dẫn đến những hậu quả lớn. Cụ thể, năm 2049, Việt Nam có thể dư thừa khoảng 12% nam giới dưới 50 tuổi.
Không những ảnh hưởng đến khả năng tìm vợ của giới trẻ, điều này còn dẫn đến nhiều áp lực hơn đối với phụ nữ như tình trạng buôn bán phụ nữ.
Tâm lý thích con trai - thách thức lớn
Về lý thuyết, theo UNFPA, có nhiều nhân tố khiến tỷ số giới tính khi sinh gia tăng (ví dụ: Đăng ký khai sinh thiếu số trẻ em gái, tỷ suất chết lưu thai gái cao hơn...).
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguyên nhân chính là việc lựa chọn giới tính trước sinh. Tại thành phố Hòa Bình, theo ông Lâm, hiện nay, có 8/15 phường xã đã có dịch vụ siêu âm tư nhân. Với sự hỗ trợ của các công cụ chẩn đoán giới tính trước sinh (như siêu âm), một số cặp vợ chồng đã đình chỉ thai nghén khi phát hiện giới tính thai nhi là gái.
Mặc dù, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã cấm lựa chọn giới tính khi sinh bằng bất kỳ hình thức nào, tuy nhiên, theo ý kiến của một vị lãnh đạo tỉnh này, chế tài xử phạt cho người đưa ra các thông tin kết quả siêu âm giới tính thai nhi và chế tài xử phạt những người phá thai do khi siêu âm biết giới tính thai nhi không như mong muốn vẫn chưa đủ sức răn đe.
Nguyên nhân sâu xa ẩn đằng sau nhiều cố gắng lựa chọn giới tính thai nhi là tâm lý ưa thích con trai - một định kiến về giới, hiện nay vẫn chưa mấy suy suyển ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Giới của UNFPA, tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam đang thay đổi nhưng trong việc sinh con, người phụ nữ vẫn phải chịu áp lực lớn từ chồng và gia đình chồng.
Thực tế vẫn có chuyện nếu mang thai con trai, người phụ nữ sẽ được hỗ trợ nhiều hơn và được đối xử ưu ái hơn so với khi mang thai con gái. Do vậy, UNFPA cho rằng thách thức đối với Việt Nam lúc này là tìm kiếm các can thiệp có hiệu quả nhằm thay đổi tâm lý trọng nam khinh nữ và giảm thiểu tình trạng lựa chọn giới tính trước sinh./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.