Tờ “Nhân dân Nhật báo” (Trung Quốc) ngày 1/12 đăng bài “Ngoại giao Việt Nam tìm kiếm cân bằng” cho rằng Việt Nam ngày càng được coi trọng trên trường quốc tế.
Tác giả bài báo viết, một trong những vấn đề được dư luận Việt Nam quan tâm thời gian gần đây là điện năng và giải quyết việc thiếu điện. Mọi người hy vọng vào nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ góp phần giải quyết tình trạng này.
Người ta nói tới Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, dự án hợp tác quan trọng mà hai nước Nga và Việt Nam đã đi đến nhất trí trong thời gian Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới thăm Việt Nam vừa qua. Hai bên còn ký hiệp định hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác năng lượng. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam đã tiến thêm một bước mới.
Ngoài đẩy mạnh quan hệ với Nga, Việt Nam cũng tích cực mở rộng hợp tác với Mỹ và Nhật Bản, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa trong các cơ chế của LHQ, WTO, APEC nhằm nâng cao địa vị của mình trong cộng đồng quốc tế.
Trong khi Mỹ và Nga tăng nhanh nhịp độ trở lại Đông Nam Á, Việt Nam đã dựa vào vị trí chiến lược quan trọng của mình và ngày càng được coi trọng.
Dư luận quốc tế cho rằng giữa Mỹ và Nga đang diễn ra một cuộc đấu sức trong quan hệ với Việt Nam.
Điều dễ nhận thấy là hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ nghiêng về lĩnh vực kinh tế thương mại do Mỹ là thị trường quan trọng cho các sản phẩm hàng dệt, hàng thủy sản và công nghệ phẩm của Việt Nam. Việc giữ vững và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Mỹ sẽ đem lại không gian rộng lớn hơn và lợi ích thiết thực hơn cho Việt Nam.
Trong khi đó, quan hệ kinh tế của Nga với Việt Nam những năm gần đây tuy có phần giảm đi nhưng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, quân sự v.v. của hai nước dường như lại phong phú hơn.
Vị trí địa lý đặc biệt và lợi ích quốc gia tự thân là những yếu tố quan trọng quyết định chính sách ngoại giao của Việt Nam là cố gắng tìm kiếm cân bằng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam họp vào đầu năm 2011 tới sẽ thông qua cương lĩnh về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH ở Việt Nam.
Có thể dự báo nội dung tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao toàn diện đa phương hóa, đa dạng hóa sẽ vẫn là phương hướng lớn về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.